Sau hàng trăm năm, vaccine vẫn chưa thể ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại

  •  
  • 524

Lướt qua các giai đoạn trong lịch sử loài người, cuộc chiến chống lại dịch bệnh truyền nhiễm đã kéo dài dai dẳng. Từ đó cho thấy nhân loại có khả năng thích nghi tuyệt vời.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, có một điều đáng mừng là những trận dịch trong quá khứ (thường có số ca tử vong cao hơn nhiều so với Covid-19) cũng tạo ra những phản ứng tương tự với những gì chúng ta cảm nhận trong năm qua.

Con người chống lại sự lây lan của bệnh truyền nhiễm và bảo vệ bản thân bằng khẩu trang, cách ly và giãn cách xã hội không phải là mới. Nhưng cũng đáng tiếc rằng việc phân loại các nhóm các nguy cơ lây lan dịch bệnh lại không có sự đổi mới nào so với trước đây. Charles Kenny đã viết như vậy trong The Plague Cylcle, một cuốn sách về lịch sử các bệnh truyền nhiễm ở người.

Tác phẩm "Omne Bonum" của James le Palmer, mô tả các giáo sĩ mắc bệnh phong ở thế kỷ 14
Tác phẩm "Omne Bonum" của James le Palmer, mô tả các giáo sĩ mắc bệnh phong ở thế kỷ 14. (Ảnh: Alamy).

Thậm chí việc tiêm chủng cũng đã được thực hiện nhiều thế kỷ trước. Các công trình thường cho rằng tiêm chủng xuất hiện lần đầu vào năm 1796, khi Edward Jenner tiêm virus bệnh đậu bò lấy từ vết thương của bà vú cho cậu con trai 8 tuổi của người làm vườn, James Phipps. Sau đó, ông cho cậu bé tiếp xúc với virus bệnh đậu mùa (một trong số các dịch bệnh có số người chết cao nhất thế giới) để chứng minh rằng quy trình này cũng cung cấp khả năng miễn dịch chống lại các dịch bệnh có họ hàng gần.

Khi đó, Jenner đã sử dụng "variolation", một phương pháp được phát triển khoảng 250 trước ở Trung Quốc. Ban đầu, phương pháp này được thực hiện bằng cách thổi vảy đậu mùa vài tháng tuổi vào mũi; hoặc nếu xuất hiện mối đe dọa dịch bệnh bùng phát khiến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cấp thiết hơn, người ta sẽ xông vảy đậu mùa với nước thảo mộc. Nhờ đó virus sẽ bị suy yếu (mặc dù thời đó người ta chưa biết đến điều này) và cơ thể sẽ tạo ra hệ miễn dịch mà không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Trong cuốn sách, Kenny đã mô tả một cách sinh động về quá trình phát triển của vaccine bệnh đậu mùa tại Ấn Độ và Trung Đông. Quý bà Mary Wortley Montagu, phu nhân của Đại sứ Anh tại Đế chế Ottoman, đã rất ấn tượng về "phát minh" này đến mức áp dụng cho "đứa con trai yêu quý" của bà tại Istanbul năm 1715. Theo những gì bà viết trong thư, quy trình tiêm chủng bắt đầu bằng việc sử dụng một cây kim để tiêm "hình thái tốt nhất của bệnh đậu mùa vào tĩnh mạch".

Khi trở về quê hương, bà Montagu đã phổ biến việc tiêm phòng bệnh đậu mùa trong giới thượng lưu Anh. Kenny đoán rằng đây là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em sinh ra trong các gia đình hoàng gia Anh giảm bất thường. Ở thế kỷ thứ 17, tỉ lệ tử vong đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi là 40%; đến thế kỷ 18, tỉ lệ chỉ còn dưới 3%.

Như vậy, Jenner được ghi nhận là đã phát minh ra vaccine, một phương pháp có chi phí thấp và độ tin cậy cao giúp loại bệnh đậu mua ra khỏi danh sách những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới. Cuối thế kỷ 18, riêng tại London chiếm đến 9% tổng số ca tử vong do đậu mùa. 100 năm sau, con số này chỉ còn 1%, và đến thập niên 80 của thế kỉ 20, bệnh đậu mùa trở thành căn bệnh đầu tiên và duy nhất biến mất hoàn toàn nhờ vaccine.

Việc tự bảo vệ bản thân trước đây còn kỹ lưỡng hơn cả mức tránh lây nhiễm. Những mô tả ban đầu về khẩu trang được viết bởi Marco Polo trên hành trình dọc Con đường tơ lụa của Châu Á vào cuối thế kỷ 13, khi những người phục vụ trong một bữa tiệc đã "bịt kín mũi và miệng của họ bằng khăn lụa và vàng", cũng là một hình ảnh vừa xuất hiện trở lại trên thị trường thời trang năm 2020, Kenny viết.

Rõ ràng dịch bệnh đã lây truyền giữa người với người từ thời cổ đại cho đến tận thế kỷ thứ 19, dù ý kiến "vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh" hoàn toàn thất thế trước giả thuyết "chướng khí" (cho rằng dịch bệnh là do không khí độc hại hoặc ô nhiễm) rất phổ biến ở thời đó.

Thậm chí Florence Nightingale, nữ y tá dũng cảm trong cuộc chiến tranh Krym, đã viết rằng vào năm 1867, "nếu giả thuyết vi sinh vật là hợp lý, thì phải ngăn chặn tất cả hoạt động tương tác giữa con người vì bất cứ nguyên nhân nào, dù đau đớn hay bệnh tật hay cái chết".

Kenny tin rằng nhân loại đã có "bản năng loại trừ" bẩm sinh khiến họ tránh xa những người lạ và những người không thuộc nhóm cộng đồng của mình. Các tài liệu thời kỳ đầu cho thấy con người từ lâu đã đánh giá cao việc phân loại nguy cơ lây nhiễm và lợi ích của cách ly, trong đó, điều trị bệnh phong là một minh chứng điển hình.

Bản thân thuật ngữ "cách ly" xuất phát từ "quaranta",trong tiếng Ý có nghĩa là "40 ngày", là khoảng thời gian chờ tàu thuyền di chuyển từ vùng dịch đến các cảng biển ở Địa Trung Hải vào thế kỷ 14 và 15.

Khi bằng chứng vi sinh vật (virus, vi khuẩn và ký sinh trùng) trực tiếp gây ra bệnh được công nhận, các cộng đồng và cá nhân bị nhiễm bệnh bắt đầu phải cách ly. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, vi sinh vật còn được sử dụng làm cái cớ để bài trừ hoặc ngược đãi một nhóm sắc tộc nào đó bằng những cách thức vượt ra khỏi khuôn khổ y học, dần trở nên giống với giai đoạn thời Trung Cổ, khi người ta cho rằng người Do Thái đầu độc giếng nước và khơi mào sự kiện Cái chết Đen.

Charles Kenny, tác giả cuốn sách The Plague Cylcle.
Charles Kenny, tác giả cuốn sách The Plague Cylcle. (Ảnh: zocalopublicsquare.org)

Các tài liệu của Kenny cũng ghi lại một số vụ việc ở thế kỷ thứ 20, cụ thể là tại Mỹ, bắt đầu với dịch hạch lây từ Trung Quốc đến San Francisco vào năm 1900. Lệnh cách ly chỉ được thực thi tại phố người Hoa và chỉ áp dụng với người gốc Hoa. Các nhân viên y tế của thành phố chặn lại bất cứ ai trông giống người Trung Quốc và tìm cách tiêm một loại vaccine còn đang thử nghiệm vào người họ.

May thay, sau đó Mỹ đã có các biện pháp hạn chế tư pháp. Thẩm phán William Morrow đã phán quyết rằng các hành động của Ủy ban Y tế San Francisco là "phân biệt sắc tộc Châu Á và Mông Cổ một cách trực tiếp và mạnh mẽ, mà không xem xét đến tình trạng trước đó, thói quen, lịch sử tiếp xúc hay bệnh tật, hoặc nơi cư trú của mỗi cá nhân" – và vì thế, hành động đó là vi hiến.

Cuốn sách The Plague Cycle có nền tảng kiến thức quen thuộc với những ai đã đọc những cuốn sách phân tích lịch sử và địa chính trị về dịch bệnh ra mắt trước đó, như Guns, Germs & Steel của tác giả Jared Diamond (không nằm trong danh mục tài liệu tham khảo của Kenny). Và nhiều cuốn sách khác cũng đang được thực hiện trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Nhưng sự thiếu hụt về ý tưởng và nghiên cứu được bù đắp bằng cách viết sinh động của Kenny và cách ông đưa ra những dẫn chứng.

Ví dụ, trong chương "Clean Up", có nội dung về vai trò của vấn đề vệ sinh trong phòng chống dịch bệnh, đã chỉ ra rằng đạo Cơ Đốc không giúp được gì: họ "là một tôn giáo bẩn thỉu, một tôn giáo chống lại mong muốn được sạch sẽ của con người". Kenny đề cập đến một số vị thánh như Jerome, Benedicts, Agnes và Catherine of Siena, là những vị thánh không bao giờ tắm rửa và phản đối việc người khác tắm rửa. Cụm từ "Sự sạch sẽ bên cạnh Đức Chúa Trời" chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ 18.

Trong hồi kết cuốn sách The Plague Cycle, người đọc có thể thắc mắc vì sao đại dịch Covid-19 có quá nhiều sự việc ồn ào. "Trong lịch sử loài người, Covid-19 chưa chắc được công nhận là một mối đe dọa sức khỏe mới hay lạ lẫm", Kenny viết, vì nó có tỉ lệ mắc bệnh và tử vong trên đầu người thấp hơn so với những đại dịch trước đây.

Thậm chí, nhân loại cần phải rút ra bài học từ Covid-19 để chuẩn bị tốt hơn về khoa học và chính trị cho tương lai, khi mà các chuyên gia y tế gần như chắc chắn về sự xuất hiện của một mầm bệnh khác có thể gây chết người và/hoặc lây lan mạnh mẽ hơn. Như Kenny kết luận, sự sụt giảm đáng kể về số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm trong hai thế kỷ qua "là điều mà chúng ta nên ăn mừng và bảo vệ như chiến thắng vĩ đại nhất của nhân loại".

Cập nhật: 27/03/2021 Theo VnReview
  • 524