Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời là một nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiện tượng lão hoá da. Dùng kem chống nắng, collagen cũng chỉ là giải pháp tạm thời và hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong tương lai hứa hẹn sẽ có một loại thuốc đặc biệt giúp chống lại được các tác động lão hoá của ánh sáng mặt trời.
Với một nghiên cứu được khám phá một cách tình cờ, các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (UBC) đang tiến những bước xa hơn trong việc có thể tạo ra được một loại thuộc đặc biệt có thể phòng ngừa hiện tượng này.
Được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu có trưởng nhóm là giáo sư Davis Grandville ở UBC, họ đã đi tìm hiểu và phân tích vai trò của một loại enzym có tên là Grandzyme-B (loại enzym có liên quan tới khá nhiều chứng bệnh trong đó có xơ vữa động mạch và đột quỵ).
Grandzyme-B hoạt động một cách tự nhiên trong cơ thể của con người, tuy nhiên nếu như vượt quá mức cho phép nó cũng có thể gây nên tình trạng miễn nhiễm và phát hủy cấu trúc collagen (một thành phần quan trọng của da người).
Trong nghiên cứu các nhà khoa học thấy rằng, nếu như những chú chuột thí nghiệm thiếu đi các enzym này chúng sẽ có sức đề kháng cao hơn với các chứng bệnh liên quan đến xơ cứng và hẹp mạch máu. Đồng thời, họ cũng để ý những chú chuột này có làn da mịn và căng tròn hơn so với một số loài có số lượng Granzyme-B ở mức bình thường.
Các nhà nghiên cứu sau đó tiếp tục một thí nghiệm khác, nhưng lần này là với hai loại chuột trong lồng có ánh sáng mặt trời nhân tạo. Chúng được tiếp xúc với loại ánh sáng này trong 3-4 phút và liên tục 3 lần/tuần. Sau hơn 20 tuần tiếp xúc lặp đi lặp lại như vậy, các nhà khoa học nhận thấy rằng, con chuột có lượng enzym Granzyme-B ít hơn thì có làn da khỏe hơn và vẫn giữ lại được nhiều sắc tố collagen nhất.
Granville cho biết, ông và nhóm nghiên cứu của mình đang tích cực phát triển một loại thuốc thoa ngoài da để có thể ức chế hoạt động của Granzyme-B (nguyên nhân chính dẫn tới sự tan vỡ của cấu trúc collagen). Được biết, nhóm nghiên cứu sẽ hợp tác với công ty công nghệ sinh học viDA Therapeutics để tiến hành thử nghiệm trên những bệnh nhân bị lupus ban đỏ dạng đĩa, bệnh tự miễn dịch... do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời. Thời gian thử nghiệm ước tính trong vòng 2 năm.
Nếu như kết quả thử nghiệm cuối cùng trên người thành công, trong tương lai con người sẽ không phải lo tới việc da bị sạm hay lão hóa nhanh hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trong nghiên cứu của ông, ánh sáng mặt trời được coi như là yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng của Granzyme-B gây hại trên da.
Bên cạnh các chế phẩm sử dụng ngoài da, ứng dụng từ nghiên cứu này cũng hứa hẹn mở ra một cánh cửa mới đầy hy vọng cho các bệnh nhân không may mắc phải các chứng như phình động mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (bị gây ra bởi sự phân hủy collagen trong mạch máu và đường thông khí phổi).
Tham khảo: Gizmag.