Hơn 50 năm trước, một cơn bão nhiệt đới chết chóc nhất trong lịch sử đã càn quét vào Nam Á. Chỉ trong một ngày, nửa triệu người đã mất mạng.
Ngày 12/11/1970, Mohammad Abdul Hai 18 tuổi vẫn cùng các chú và anh họ ra biển đánh cá và kịp trở về nhà ở Đông Pakistan (Bangladesh ngày nay) với một mẻ cá lớn trước khi gió nổi lên và mây đen kéo tới.
Góc nhìn từ trên cao về sự tàn phá do bão Bhola gây ra năm 1970. (Ảnh: Getty).
Đảo Manpura, quê hương của Mohammad, là nơi thường phải đón nhận một số cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử. Hầu như năm nào người dân cũng phải chịu một cơn bão trực tiếp hoặc ít nhất là mối đe dọa của một cơn bão.
Sau khi về nhà, Mohammad bật đài để nghe tin tức. Đã có một vài cảnh báo trong vài ngày qua về một cơn bão sắp đổ bộ vào Manpura. Các cảnh báo này không khác gì cảnh báo trong 5-6 cơn bão trước.
Tuy nhiên, Mohammad vẫn cảnh giác. Khi bố phải rời khỏi nhà để nhận lương, thanh niên 18 tuổi làm theo những điều mà bố luôn dặn khi gió nổi lên.
Mohammad may mắn được sống trong ngôi nhà gạch 2 tầng, điều hiếm thấy ở quê hương nghèo khó Manpura. Thanh niên này đã đưa hết các thành viên trong đại gia đình đang sống ở các túp lều lụp xụp về nhà của mình. Khoảng 20 người tính cả gia đình Mohammad. Sau đó, thanh niên này lùa đàn gà và dê vào chuồng.
Mohammad cũng nhận thấy đất ở sân đã xốp hơn, chứng tỏ mạch nước ngầm đang dâng lên.
Trong bữa tối, các thành viên trong gia đình nhận thấy điều bất thường khi lũ chó hàng xóm không ngừng kêu. Dường như không chỉ mỗi lũ chó mà tất cả các loài vật nuôi đều có phản ứng bất thường. Chú của Mohammad nói rằng có thể thượng đế đang gửi một thông điệp nào đó và cả nhà bắt đầu bàn tán.
Trên radio, một cảnh báo bão mới đã được phát đi. Người thông báo lặp lại liên tục "đỏ 4, đỏ 4" (Red 4 Red 4). Không ai ở Manpura biết thông báo đó có nghĩa là gì. Người thông báo không đưa ra lời giải thích hay hướng dẫn nào về việc phải làm gì tiếp theo. Một cảnh báo thứ 2 chỉ nói: "Nguy hiểm lớn đang đến". Gia đình của Mohammad, giống như hầu hết mọi người trên đảo, quyết định không đi sơ tán.
Điều mà cư dân Manpura không biết là “Red 4” xuất phát từ hệ thống cảnh báo của Mỹ, đánh giá bão theo thang điểm từ 1 đến 4. Hệ thống này quy định Red 4 có nghĩa là: “Báo động đỏ. Sự tàn phá thảm khốc sắp xảy ra. Tìm kiếm vùng đất cao ngay lập tức”. Nhiều hòn đảo ở Đông Pakistan vẫn sử dụng thang điểm 10 của hệ thống cảnh báo cũ. Sự kết hợp hỗn tạp của các hệ thống và xếp hạng này khiến người dân dễ nhầm lẫn.
Mọi người trong nhà Mohammad thản nhiên với suy nghĩ 4 điểm chắc chắn nhẹ hơn 10 điểm. Và họ vô tư ăn tối trong một ngôi nhà được xem là kiên cố ở Manpura thời điểm đó.
Thiệt hại về gia súc trong siêu bão Bhola. (Ảnh: Getty).
Đêm hôm đó, sau khi mọi người đã yên giấc, Mohammad giật mình thức giấc vì tiếng tấm tôn trên nóc nhà rơi xuống chuồng gia súc. Lúc đó là khoảng 22h, mưa như trút nước.
Tiếng gia súc kêu bên ngoài khiến Mohammad không thể ở yên trong nhà. Thanh niên này ra kiểm tra chuồng gia súc, sau đó vội vã đóng đinh những tấm ván gỗ và vá bạt che cửa sổ.
Các thành viên trong gia đình cũng không thể chợp mắt. Họ tập trung dưới nhà và cầu nguyện cùng nhau.
Nửa đêm, khi siêu bão Bhola đổ bộ Đông Pakistan với cường độ mạnh nhất, gia đình Mohammad nghe thấy tiếng nước vỗ bên hông nhà. "Không thể như vậy được", thanh niên 18 tuổi nghĩ. Ngôi nhà của họ cách bờ biển gần 1km. "Không lẽ tai mình có vấn đề", Mohammad thầm nghĩ.
Mười giây sau, gia đình Mohammad nghe thấy một tiếng nước bắn tung tóe khác. Rồi, vài giây sau, lại một tiếng nữa. Mọi người nhìn quanh, khuôn mặt đầy vẻ bối rối. Chuyện gì thế này? Mohammad vội vã chạy đến một cửa sổ đóng ván và nhìn qua khe hở. Đôi mắt cậu thanh niên mở to vì kinh hoàng.
Nước biển đã dâng cao và tràn tới ngưỡng cửa nhà họ. Mohammad vội vã thúc giục cả gia đình chạy lên trên tầng 2. Hầu hết cư dân Manpura không có cơ hội như gia đình Mohammad khi họ sống trong các túp lều lá cọ hoặc nhà tạm làm từ bùn đất.
Nước biển nhanh chóng tràn vào và tiếp tục dâng cao. Trong tình huống nguy cấp khi nước đã ngập đến tầng 2 của tòa nhà, Mohammad nảy ra một ý tưởng táo bạo.
Cơ hội sống sót tốt nhất nằm ở sân bên ngoài ngôi nhà. Một cây cọ ở đó đã trụ vững qua nhiều cơn bão. Tuy nhiên, để đến được cây, Mohammad phải nhảy xuống và bơi trong điều kiện mưa to, gió lớn. Khi cú nhảy thành công, Mohammad đập vào cây và hét lên gọi gia đình làm theo. Nhưng không có tiếng ai trả lời, thanh niên 18 tuổi tiếp tục gào thét.
Người sống sót ở Đông Pakistan khắc phục hậu quả do siêu bão Bhola gây ra. (Ảnh: Getty).
Trong hơn một giờ, Mohammad bám vào cây cọ. Đột nhiên, mưa ngừng. Chỉ trong vài giây, buổi đêm hỗn loạn chuyển sang yên tĩnh lạ thường.
Manpura đang ở trong mắt bão. Ngôi nhà của thanh niên này tối tăm và im lặng đến đáng sợ, nước biển đã dâng cao ngập đầu người ở tầng hai. Không có tiếng các thành viên trong gia đình đáp lại vì phần lớn họ đã chết đuối khi gần 20 người chen chúc trong không gian chỉ đủ cho 4-5 người.
Khi gió nổi trở lại, Mohammad bám chặt vào cây cọ. Nhiều giờ trôi qua và cánh tay và chân của anh bị trầy xước bởi lớp vỏ cây thô ráp. Cuối cùng, vào sáng sớm hôm sau, nước đã rút. Tổng cộng, khoảng 40.000 trong số 50.000 cư dân của đảo Manpura đã chết.
Siêu bão Bhola càn quét khu vực bờ biển Đông Pakistan, với sức gió hơn 200 km/h và trùng vào thời điểm thủy triều dâng, sóng biển cao tới 10 mét, quét qua khu vực vùng trũng đông dân cư nên gây ra thương vong lớn.
Theo trang 9News, số người thiệt mạng do siêu bão Bhola gây ra nằm trong khoảng 500.000 người đến 600.000 người. Cơn bão gây thiệt hại về tài sản ước tính là 490 triệu USD. Khoảng 85% nhà cửa trong khu vực bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng, với sự tàn phá lớn nhất dọc theo bờ biển.
Theo trang Hindustan Times, hậu quả của siêu bão Bhola sau đó đã gây ra một cuộc nội chiến và cuối cùng dẫn đến sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và sự ly khai của Đông Pakistan thành Bangladesh ngày nay.
Giới lãnh đạo chính trị Đông Pakistan vô cùng tức giận trước sự thờ ơ của chính phủ Pakistan về cách khắc phục sau bão.
Nhiều nhà phân tích cho rằng: "chúng ta nên ghi nhận siêu bão Bhola đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị và sự ly khai sau đó".
Họ cho rằng Bhola "đã đẩy nhanh tình trạng hiện tại" của những căng thẳng chính trị - xã hội và kinh tế đang xảy ra ở Đông Pakistan. Mặc dù cơn bão năm 1970 không làm thay đổi cấu trúc chính trị của Đông Pakistan, nhưng nó đã thúc đẩy nhu cầu tự chủ của Đông Pakistan.
Tháng 3/1971, Đông Pakistan tuyên bố ly khai khỏi Pakistan dẫn đến nội chiến. Sau 9 tháng, nội chiến Pakistan kết thúc. Đông Pakistan được công nhận độc lập, đổi tên thành Cộng hòa nhân dân Bangladesh.
Sự thay đổi dữ dội này là lời nhắc nhở rõ ràng về sự gián đoạn sâu sắc về mặt xã hội và chính trị có thể phát sinh từ thiên tai.