Bão có thể mạnh tới mức nào?

Khám phá sức mạnh của các cơn bão
  •   32
  • 5.352

Giới khoa học cho rằng sức mạnh của bão không thể tăng tới mức vô tận và cơn bão mạnh nhất mà con người đo được di chuyển với tốc độ tương đương những tàu siêu tốc nhanh nhất ngày nay.

Bão có thể mạnh tới mức nào?
Cơn bão Isabel chụp từ trạm vũ trụ Quốc tế ISS vào năm 2003.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển. Các cơn bão hình thành khi một tâm áp thấp xuất hiện cùng một hệ thống áp cao xung quanh nó. Sự kết hợp của các lực đối nghịch có thể tạo ra gió và dẫn tới sự hình thành của các đám mây bão.

Ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được dùng cho bão nhiệt đới, kèm theo gió mạnh và mưa lớn. Gió xoáy có cấp từ 6 đến 7 (theo thang đo Beaufort) trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên một diện rộng, có thể kèm theo mưa lớn được gọi chung là bão.

Ngoài thang đo Beaufort còn có thang đo Saffir-Simpson. Theo thang đo Saffir-Simpson thì cấp mạnh nhất của bão là 5. Livescience cho biết, bão cấp 1 có tốc độ từ 118 tới 152 km/h. Một cơn bão cấp 5 di chuyển với tốc độ từ 250 km/h trở lên. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu cấp số 6 ra đời, những cơn bão trong cấp đó sẽ có tốc độ từ 280 tới 314 km/h.

Bão tăng sức mạnh nhờ những vùng nước ấm trong đại dương. Trong bối cảnh trái đất đang ấm lên, nhiệt độ bề mặt đại dương cũng tăng. Vì thế, giới khoa học dự đoán các cơn bão cũng mạnh hơn.

Nhưng các nhà vật lý quả quyết rằng sức mạnh của bão không thể tăng tới mức vô cùng. Căn cứ vào những điều kiện của khí quyển và đại dương trên trái đất ngày nay, Kerry Emanuel – một nhà khí tượng học của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ, cho rằng tốc độ tối đa của bão là 304 km/h.

Mặc dù vậy, ngưỡng giới hạn trên đối với tốc độ của bão không phải là con số tuyệt đối. Nó có thể thay đổi theo những biến động của khí hậu. Giới khoa học dự đoán do tình trạng nóng lên của trái đất vẫn tiếp tục, cường độ tối đa của bão sẽ tăng trong tương lai.

Ở Mỹ, cơn bão Wilma hồi năm 2005 cũng đã có sức gió mạnh nhất là 280 km/ giờ, sức tàn phá khủng khiếp. Năm 2017, gió của bão Irma cũng hoành hành với tốc độ 280 km/ giờ.

Nhưng gió trong những cơn bão có thể mạnh đến mức nào nữa? Một cơn bão có được sức mạnh của nó bằng cách sử dụng nước ấm làm nhiên liệu. Khi khí hậu Trái Đất nóng lên, nước đại dương có thể cũng ấm lên. Bởi vậy nên càng ngày bão mới càng có khả năng mạnh hơn, và dễ thay đổi cường độ đột ngột.

Bão có thể mạnh tới mức nào?
Hình ảnh vệ tinh của Nasa cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Haiyan khi tiến sâu vào Philippines.

Emanuel cùng một số nhà khí tượng nhận định rằng, nếu nhiệt độ bề mặt đại dương tăng thêm một độ C thì tốc độ bão sẽ tăng thêm 5%.

Nhưng Chris Landsea, một chuyên gia của Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, không đồng ý với dự đoán này. Landsea cho rằng, ngay cả khi nhiệt độ bề mặt đại dương tăng thêm 6 độ C trong thế kỷ này thì tốc độ gió cũng chỉ tăng thêm 5%. Điều đó có nghĩa là tốc độ của bão không thể vượt quá 320 km/h.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 1961 siêu bão Nancy ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương đạt tốc độ tối đa tới 344 km/h.

Vào ngày 12/4/1934, một cơn bão tràn qua núi Washington, bang New Hampshire, Mỹ với tốc độ 370 km/h. Nhưng đó vẫn chưa phải là cường độ cao nhất của bão. Trong một trận lốc xoáy tại bang Oklahoma, Mỹ, các nhà khoa học đo được tốc độ gió là 509 km/h.

Tuy nhiên, mọi giới hạn đều không phải là tuyệt đối. Nó có thể thay đổi theo khí hậu của Trái Đất. Trái Đất càng ấm lên, thì những cơn bão càng có tiềm năng mạnh lên. Mà năm 2020 đang được cho là sẽ đạt “danh hiệu” năm nóng nhất trong lịch sử, có lẽ bởi vậy mà nhiều cơn bão dữ dội đã xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Dù sao, các nhà khoa học khẳng định, không cần phải đưa Cấp độ 6 vào thang bão Saffir-Simpson, bởi vì thang bão này dùng để đo mức độ thiệt hại do gió bão gây ra. Mà với tốc độ gió trên 251 km/ giờ, thì mức độ tàn phá sẽ giống nhau, tức là tan nát hết cả thôi.

Cập nhật: 31/10/2020 Theo Vnexpress/hoahoctro.tienphong
  • 32
  • 5.352