Khi nền văn minh nhân loại khiến ngày càng nhiều loài động vật bị tuyệt chủng, sinh giới sẽ còn lại gì và hình thù, kích thước của các loài còn lại sẽ ra sao?
Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên số mới nhất tạp chí Science, những loài còn sống sau một cuộc đại tuyệt chủng sẽ có một hình thù mới.
Tác giả nghiên cứu, Lauren Sallan đến từ ĐH Pennsylvania, nói với trang Discovery: "Những loài còn sống sót sẽ có xu hướng nhỏ hơn hoặc lớn hơn nhiều so với hầu hết các họ hàng của chúng. Những thái cực để giành giật sự sống này bất kể là thông qua việc sinh sản nhanh với quy mô đàn lớn, hoặc kích thước loài lớn nhằm có khả năng vượt qua những giai đoạn khắc khổ nhất".
Sallan và đồng tác giả nghiên cứu, Andrew Galimberti, hiện đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Maine, đã tập trung tìm hiểu về xu hướng kích thước của những loài động vật biển sau cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Devon, xảy ra cách đây 359 triệu năm về trước.
Tuy nhiên, khi kết hợp với những nghiên cứu trước đó, các nhà nghiên cứu tin rằng một cuộc đại tuyệt chủng có thể tác động tới tất cả các loài động vật, cả ở biển và trên cạn.
Sau khi phân tích khoảng 1.120 mẫu hoá thạch cá trong giai đoạn từ 419 - 323 triệu năm trước, các nhà khoa học nhận thấy sự tương đồng khá lớn với quy luật của Cope. Theo đó, các loài cá có xu hướng phát triển kích thước cơ thể lớn hơn nhằm tránh bị ăn thịt và có thể bắt mồi dễ dàng hơn.
Quy luật của Cope được đặt tên theo nhà khảo cổ học người Mỹ, Edward Drinker Cope. Quy luật này cho rằng, các loài có xu hướng gia tăng kích thước cơ thể trong khi tiến hóa. Tuy nhiên nhược điểm của quy luật này là chưa đánh giá khách quan những nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng gia tăng kích thước.
Mặt khác, Sallan và Galimberti cũng phát hiện thêm những bằng chứng hỗ trợ cho quy luật của Cope có tên Lilliput Effect. Đây là một thuật ngữ ám chỉ sự suy giảm kích thước của các hệ sinh vật sau một cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt.
Sallan cho rằng, sẽ mất từ 5 - 20 triệu năm để những loài động vật còn sống sót sau một cuộc đại tuyệt chủng có thể khôi phục lại được số loài đã mất và bắt đầu đa dạng hoá chủng loại.
5 cuộc đại tuyệt chủng lớn của Trái Đất: Cuối kỷ Creta (tuyệt chủng K-T) > Kỷ Trias-Jura > kỷ Permi - Kỷ Triat > Kỷ Devon muộn > kỷ Ordovic - kỷ Silur (từ phải qua trái).
Cuộc tuyệt chủng hàng loạt hiện nay đang diễn ra với một tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Tác động của chúng theo Sallan là rất lớn, thời gian cần để phục hồi sẽ kéo dài, có thể là hàng chục triệu năm. Sinh giới vẫn sẽ mong manh trong suốt khoảng thời gian tồi tệ đó.
Ở dưới biển sâu, loài động vật hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hàng đầu chính là cá mập. Số lượng loài cá mập đang sụt giảm nghiêm trọng do con người đánh bắt và khai thác quá mức.
Trong thực tế, nhà khoa học địa vật lý David Jablonski đang làm việc tại ĐH Chicago đã đặt ra thuật ngữ "dead clade walking" để ám chỉ những loài sống sót sau một cuộc đại tuyệt chủng cũng sẽ chết dần chết mòn sau đấy. Jablonski giải thích rằng, những loài động vật kích thước lớn cuối cùng sẽ trở thành nạn nhân của chính mình do quy mô dân số thấp và thời gian để nuôi dưỡng một thế hệ quá dài.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Current Biology cho thấy, khi một loài chết đi, nó sẽ tạo nên hiệu ứng domino dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tuyệt chủng ở các loài. Tác giả nghiên cứu đến từ ĐH Exeter gọi hiện tượng này là "dòng thác tuyệt chủng".
Cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đang bắt đầu?
Rõ ràng, cuộc sống của sinh giới sau một cuộc đại tuyệt chủng vẫn còn là một bí ẩn chưa được khám phá hết. Chỉ có điều, các nhà nghiên cứu sẽ cần phải tích cực hơn nữa để tìm hiểu ra nguyên nhân. Trong ngắn hạn, vấn đề có thể sẽ khó có thể được sáng tỏ.
Loài người đang ở một ví trí chưa bao giờ tốt hơn trong sinh giới. Chúng ta đang là những động vật linh trưởng bậc cao có khả năng tư duy và làm chủ Trái Đất. Tuy nhiên như Sallan nhắc nhở: "Những kẻ sống sót sau cùng sẽ rất khác với các nạn nhân ở xung quanh chúng. "Chồng bài" sinh giới sẽ "xào" lại theo những cách không thể đoán được về mặt đa dạng sinh học, nhưng các xu hướng do chúng tạo ra có thể tiên đoán được". Do đó con người cần biết dung hòa giữa hai khái niệm tồn tại và tuyệt chủng để không trở thành nhân tố dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài khác, cũng như không trở thành nạn nhân của chính mình.