Sinh vật khổng lồ khoa học chưa từng biết, xuất hiện khắp Nam bán cầu

  •   42
  • 7.220

Thêm một loài sinh vật mới được khám phá thông qua xác chết dạt vào bờ biển New Zealand 10 năm trước, khiến các nhà khoa học phải nhận định: Đại dương sâu của Trái Đất vẫn ít được hiểu hơn bề mặt sao Hỏa.

Loài mới, được đặt tên là Mesoplodon eueu, xuất hiện ở khắp các vùng biển ôn đới ở Nam bán cầu, theo khảo sát từ các địa điểm ngoài khơi Nam Phi, Úc và New Zealand mà bấy lâu loài người không hay biết!

Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Auckland, dẫn đầu bởi tiến sĩ Emma Caroll, sinh vật lạ lùng là một con cá voi có mỏ, sống ở vùng biển sâu, có sự đa dạng về phân loại và nhiều bí ẩn trong lịch sử giống loài còn chưa được hiểu rõ.

Bản đồ phân bố của sinh vật mới
Bản đồ phân bố của sinh vật mới được xác định với vùng xanh là những địa điểm thường xuyên cư trú, trong khi vùng đỏ là nơi thỉnh thoảng phát hiện một cá thể - (Ảnh: Vivian Ward, University of Auckland).

Tờ Sci-News cho biết phát hiện mới này đến từ việc nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu gene và hình thái học từ một số mẫu vật được lưu trữ trong các bảo tàng tự nhiên. Một trong các mẫu vật không hề trùng khớp với bất kỳ loài nào đã biết: đó là phần còn lại của một con cá voi cái được tìm thấy ở bờ biển phía Tây Đảo Nam (Te Waipounamu) thuộc Aotearoa New Zealand. Lúc được phát hiện, xác cá voi dài đến 5 mét và đang mang thai.

Xác cá voi đã được tìm thấy từ tháng 11-2011, tuy nhiên bị tưởng lầm là một con cá voi có mỏ True (Mesoplodon mirus). Nghiên cứu mới cho thấy hộp sọ của sinh vật này hoàn toàn khác cá voi True, sinh vật thống trị Bắc bán cầu.

Phân tích sâu hơn cho thấy đúng là chúng có họ hàng, nhưng hai loài đã tách khỏi nhau trên cây gia đình từ nửa triệu năm về trước.

Phát hiện này đã nâng tổng số loài cá voi có mỏ được biết đến trên Trái Đất lên 24 loài. Nghiên cứu chi tiết vừa công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.

Cập nhật: 30/10/2021 Theo NLĐ
  • 42
  • 7.220