Sơ cứu đúng cách khi gặp tai nạn làm dập nát, đứt lìa chi

  •  
  • 1.080

Bàn tay bị thương cần đưa ra khỏi hiện trường, băng bó bằng vải sạch hoặc gạc rồi chuyển nhanh cùng người bệnh đến bệnh viện để phẫu thuật nối ghép trong 1-2 giờ đầu.

Bé trai 17 tháng tuổi chiều 6/4 bị thang cuốn tại sân bay Tân Sơn Nhất kẹp gần đứt lìa cổ tay bên phải. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM trong khoảng một giờ đầu sau khi gặp nạn để mổ vi phẫu, xử lý nối gân, xương, mạch máu và đang được theo dõi sự hồi phục của bàn tay.

Bàn tay bé trai bì thang cuốn kẹp sau khi được bác sĩ phẫu thuật khâu nối.
Bàn tay bé trai bì thang cuốn kẹp sau khi được bác sĩ phẫu thuật khâu nối. (Ảnh: T.P).

Bác sĩ chuyên về vi phẫu bàn tay Nguyễn Xuân Anh cho biết việc sơ cứu và chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian vàng những giờ đầu là rất quan trọng.

Nếu phần chi dập nát vẫn chưa đứt lìa, vẫn còn máu nuôi dưỡng, cần lấy vải sạch hoặc gạc bọc ngay phần vết thương dập nát. Phần phía trên vết thương dập nát, có thể dùng tay bóp chặt hoặc băng thun bằng băng ép, vải sạch giúp hạn chế mất máu và chuyển thẳng đến bệnh viện chuyên khoa. Nếu nơi bị nạn ở xa cơ sở y tế, nên băng gạc kèm thanh gỗ thẳng để cố định phần chi sắp đứt lìa trên đường di chuyển.

Trong trường hợp tai nạn đứt lìa chi khỏi cơ thể, cần cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại. Nếu có thể thì bọc phần này trong miếng gạc trước khi cho vào túi nilon. Đặt túi nilon trong đá lạnh. Chú ý tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.

Với phần tổn thương còn lại trên cơ thể, dùng tay bóp chặt hoặc băng bằng băng ép, vải sạch để nạn nhân hạn chế mất máu rồi đưa đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không rắc thuốc, lá dân gian lên phần vết thương.

Cập nhật: 10/04/2017 Theo VnExpress
  • 1.080