Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu núi băng Nam cực tiếp tục tan chảy với tốc độ như hiện nay thì loài chim cánh cụt nổi tiếng – chim cánh cụt hoàng đế - chỉ tồn tại trong một thế kỷ nữa.
Số phận của chim cánh cụt hoàng đế thật đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu mới đây, nếu biển băng tại Nam cực tiếp tục co lại với mức độ giảm như hiện nay, thì loài chim cánh cụt hoàng đế phải đương đầu với nạn tuyệt chủng trong vòng 100 năm nữa.
Chim cánh cụt hoàng đế là một trong hai loài chim tại Nam cực và sống nhờ băng trên mặt biển. Chúng kiếm ăn giữa những tảng băng nổi trên mặt biển. Khi những tảng băng này tan đi, chúng buộc phải di chuyển vào phía trong và dễ dàng bị những loài vật khác, vốn là “thổ dân” của lãnh địa này tiêu diệt để bảo vệ không gian sống của mình.
Vũ điệu nhịp nhàng của chim cánh cụt hoàng đế (Ảnh : National Geographic) |
Sau khi khảo sát những dữ liệu từ quần thể chim cánh cụt Adelie sống trên đất liền (thuộc cực nam châu Phi), các nhà nghiên cứu Viện Hải dương học Woods Hole, tại Massachusetts (Mỹ) đã nhận thấy rằng chim cánh cụt hoàng đế đang phải đối mặt với hiện tượng gần-như-tuyệt-chủng (quasi-extinction), trong đó sẽ giảm số lượng tới 95% hoặc hơn nữa vào năm 2100. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu nói trên, dựa trên mô hình dự đoán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thì trong 6.000 cặp vợ chồng chim cánh cụt hoàng đế trong 100 năm nữa chỉ còn 400 cặp sống sót.
Vào thời điểm này, xác suất của hiện tượng gần-như-tuyệt-chủng vào năm 2100 là 40%. Và trong thực tế, người ta đã bắt đầu thấy số lượng của chúng bắt đầu giảm. Stephanie Tenouvrrier, thành viên nhóm nghiên cứu tại Viện Hải dương học Woods Hole cho biết: “Việc giảm nghiêm trọng quần thể chim cánh cụt hoàng đế tại hòn đảo nhỏ Dion nằm ở phía Tây Bắc bán đảo Nam cực dường như báo trước việc biến mất trên quy mô lớn biển băng trong vùng này”.
Diêm dúa trong bộ lễ phục áo đuôi tôm (Ảnh: National Geographic) |
Các nhà nghiên cứu vẫn hy vọng chim cánh cụt hoàng đế có thể tránh được nạn tuyệt chủng nhờ thích nghi được với sự thu hẹp các đảo băng. Để làm được điều này chúng phải di chuyển đi nơi khác hoặc thay đổi cách sống. Thật không may, chim cánh cụt hoàng đế lại là loài rất chậm thay đổi trong quá trình tiến hóa. Nhà sinh học Hal Caswell, Viện Hải dương học nói: “Chim cánh cụt sống lâu, trong khi sự thay đổi khí hậu lại diễn ra quá nhanh, nên những thế hệ sau khó thích nghi kịp với những biến đổi ấy”.
Hiện tượng tuyệt chủng của chim cánh cụt hoàng đế có nghĩa là những loài vật khác trong hệ sinh thái biển cũng đang gặp những khó khăn. Chim cánh cụt hoàng đế phải làm nhiều hơn là mặc bộ áo đuôi tôm diêm dúa và nhảy múa trong những vũ điệu nhịp nhàng hàng ngày. Loài chim này là khâu đầu tiên trong dây chuyền thực phẩm của hệ động vật vùng Nam cực, nên chúng đóng vai trò “vật chỉ thị các loài”, mà các nhà khoa học nhìn vào đó để tìm hiểu sự thay đổi của các loài sinh vật khác trong môi trường. Nếu chim cánh cụt biến mất, việc quan sát các loài động vật khác tại Nam cực sẽ gặp nhiều khó khăn.