Độc thần kiếm và những vũ khí lợi hại của danh tướng Tây Sơn

Độc thần kiếm - Binh khí uy lực nổi tiếng của vị vua nước Việt
  •   2,85
  • 6.533

Độc thần kiếm, song thần côn hay tam thần đao là những vũ khí huyền thoại của các danh tướng Tây Sơn, khiến kẻ thủ khiếp đảm.

Những vũ khí nổi tiếng của tướng lĩnh Tây Sơn

Độc thần kiếm

Độc thần kiếm là thanh cổ kiếm mà Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn, khi ông và hai em trai còn chưa dựng cờ khởi nghĩa. Từ đó sự tích về thanh độc thần kiếm được viết nên qua những chiến công của chủ cầm kiếm và sự huyền bí của nó.

Là anh cả của Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Nhạc là người giỏi kiếm thuật nhất trong 3 anh em. Một hôm đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn, Nguyễn Nhạc tình cờ mua được thanh cổ kiếm, ông liền đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương Công biết là một báu kiếm nên đem cất thật kỹ. Khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong quân trang – lực lượng, ông liền xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Công bèn trao lại kiếm để dùng cho đại sự. Gươm dài hơn sải tay, chém sắt như chém bùn; lưỡi gươm ra khỏi vỏ thì phát ánh hào quang tỏa ra loa mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo theo Hỏa thần, tin là thanh kiếm đó vốn là của thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm thần và Nguyễn Nhạc là “Vua Trời”.

Độc thần kiếm là binh khí của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc.
Độc thần kiếm là binh khí của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc.

Để làm cho lòng người thêm tin tưởng, ông Nhạc bèn bày ra một cảnh tượng kiếm trời cho. Nguyên một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trật chân không đứng dậy được. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm trời ban. Do tích được kiếm của Nguyễn Nhạc tại đây nên núi mang tên là hòn Kiếm Sơn.

Trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất tại nghẹo cây Khế nơi đèo An Khê, dưới bóng 2 cây đại thọ: Cây Ké, Cây Cầy. Khi đại quân đến gần tế đàn thì từ trên cây Ké một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long nằm cuộn nơi đường đi, khiến quân binh không dám tiến. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái cùng trời đất rồi chém bay đầu rắn. Nhờ vậy, tiếng tăm của linh kiếm ngày một vang xa.

Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc là anh trai của Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đông Định vương Nguyễn Lữ. Tổ tiên ông vốn người Nghệ An, sau này mới chuyển vào vùng đất Bình Định sinh sống.

Tổ tiên Nguyễn Nhạc họ Hồ, đến đời cha ông mới đổi sang họ Nguyễn.

Theo sách giáo khoa lịch sử Việt Nam, cuối thế kỷ 18, xã hội rơi vào cảnh vô cùng rối ren. Ở Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn suy yếu, quyền thần Trương Phúc Loan nổi lên thao túng, lòng dân oán thán. Trước bối cảnh đó, năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (Bình Định).

Năm 1773, để đánh chiếm thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc tự ngồi vào cũi cho quân lính khiêng tới nộp cho Nguyễn Khắc Tuyên, giả làm quân lính phản Tây Sơn, bắt tướng "giặc" về hàng chúa Nguyễn. Khắc Tuyên tin là thật, cho quân áp giải Nguyễn Nhạc vào. Nửa đêm, quân Tây Sơn trá hàng mở cũi cho Nguyễn Nhạc, ông cùng binh lính nổi dậy phối hợp quân từ ngoài ùa vào đánh chiếm thành Quy Nhơn.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, đóng đô ở thành Đồ Bàn (Bình Định). Từ đây, thành Đồ Bàn còn có tên là thành Hoàng đế.

Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc ở ngôi được 10 năm (1778-1788), sau đó tự hạ xuống xưng là Tây Sơn vương được 5 năm (1788-1793) thì bệnh ốm rồi qua đời.

Song thần côn

Đó là hai cây côn của võ tướng Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong. Ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải hai người khiêng. Tương truyền, Võ Đình Tú múa côn dưới mưa, người không dính giọt nước.

Thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, nặng như ngân côn.

Kiếm cổ trong Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định.
Kiếm cổ trong Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương/VTC News).

Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song rất nặng. Khi lâm trận, côn múa lên, ngân côn tạo thành đạo bạch quang, thiết côn tạo nên luồng hắc quang. Đường côn đi đến đâu, vũ khí của đối phương văng lên tứ phía, người ngã rạp như rạ gặp bão.

Cũng theo sách Võ Nhân Bình Định, một lần, hai vị cao thủ dùng côn thi đấu biểu diễn cho hoàng tử Quang Toản xem. Đường côn qua lại nhanh như chớp, mạnh như gió bão, đẹp như "rồng bay phượng múa". Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng hò reo, vỗ tay vang cả một góc thành .

Tam thần đao

Đó là ba cây đại đao của Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu và Lê Sĩ Hoàng.

Nguyễn Huệ dùng Ô Long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi được làm bằng loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ, khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng. Thanh đao không có hào quang, chỉ có khí lạnh, rất sắc bén. Nó rất nặng, phải một người vác mới nổi.

Huỳnh Long đao là vũ khí của tướng quân Trần Quang Diệu, do sư phụ Diệp Đình Tòng truyền tặng. Cặp Ô Long và Huỳnh Long đao phối hợp tung hoành trong trận đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long góp phần tạo nên.

Xích Long đao là vũ khí của tướng Lê Sĩ Hoàng. Ông quê ở Quảng Nam, nổi tiếng có sức khỏe, lúc nhỏ chăn trâu cho phú ông trong thôn. Một hôm trâu bị cọp bắt, sợ chủ bắt đền, ông chạy trốn vào rừng sâu và lạc đường.

Ông gặp được người truyền thụ võ nghệ, chuyên sử dụng cây đao Xích Long của sư phụ ban tặng.

Năm Quang Trung thứ hai (1789), vua Quang Trung tổ chức khoa thi võ đầu tiên tại kinh đô Phú Xuân, Lê Sĩ Hoàng ra ứng thí. Ông tỉ thí với Trần Quang Diệu, hai thanh đao Huỳnh Long và Xích Long như đôi rồng hợp nhau múa lượn, người xem vỗ tay hoan hô vang dậy.

Hai bên bất phân thắng bại. Vua Quang Trung cao hứng, truyền đem Ô Long đao ra để tỷ đấu cùng Lê võ sinh. Lê Sĩ Hoàng cung kính quỳ tâu: Với Trần tướng quân, hạ thần còn chưa địch nổi, huống chi bệ hạ.

Nhà vua đắc ý, vỗ vai họ Lê, cười nói: “Khanh là Hứa Chử của ta đó!”. Sau đó, vua cởi chiếc cẩm bào đang mặc, ban cho Lê Sĩ Hoàng.

Cập nhật: 24/07/2020 Tổng Hợp
  • 2,85
  • 6.533