Điều tra nội bộ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy cơ quan này thất bại nghiêm trọng với chương trình săn lùng các thiên thạch có khả năng va vào Trái đất.
Theo Reuters, hôm qua Tổng thanh tra NASA Paul Martin công bố báo cáo khẳng định chương trình săn lùng thiên thạch của NASA “bị quản lý quá kém và thiếu nhân lực trầm trọng”.
Điều đáng nói là trước đó ngân sách săn lùng thiên thạch của NASA đã tăng 10 lần từ 4 triệu USD năm 2009 lên 40 triệu USD năm 2014.
Một chiếc hố đường kính 8m do mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk tạo ra - (Ảnh: RT)
“NASA mới chỉ phát hiện 10% các thiên thạch nguy hiểm đường kính trên 140m. Với những yếu kém hiện tại, NASA sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ phát hiện 90% thiên thạch có đường kính trên 140m vào năm 2020 như quốc hội yêu cầu” - báo cáo viết.
Thành công lớn nhất của NASA là đã tìm ra 95% các thiên thạch có đường kính trên 1km, có khả năng tiêu diệt sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên mối nguy cơ từ các thiên thạch cỡ nhỏ là rất lớn.
Tháng 2/2013, mảnh vỡ một thiên thạch có đường kính 18m nổ trên bầu trời Chelyabinsk (Nga) khiến 1.000 người bị thương.
Các nhà khoa học ước tính sức công phá của vụ nổ này tương đương 30 quả bom nguyên tử. Nghiên cứu cho thấy cứ 30 năm có thể xảy ra một vụ thiên thạch tấn công tương tự vụ Chelyabinsk.
Từ năm 1998 đến nay, NASA đã chi 100 triệu USD để phát hiện các thiên thạch nguy hiểm, di chuyển ở độ cao 45km tính từ mặt đất. Tính đến tháng 7/2014, NASA tìm thấy 11.230 thiên thạch, bao gồm 862 thiên thạch lớn, đường kính trên 1km.
Các quan chức NASA thừa nhận sẽ phải tổ chức một chương trình tìm kiếm thiên thạch nguy hiểm mới từ tháng 9/2015.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đặt lại.