Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

  •   52
  • 704

Trong thế giới đồng hồ cao cấp, Minute Repeater giống như cái đích cuối cùng của đường đua mang tên “Cơ Chế Phức Tạp” với không ít thương hiệu hàng đầu.

Tìm hiểu sự ra đời của cơ chế đánh chuông báo giờ ở đồng hồ

Xưa tận là xưa, có lẽ phải từ tận cái thời những chiếc đồng hồ (clock) treo tường, để bàn, hay để góc nhà là thứ duy nhất có khả năng mang lại cho con người những ý niệm về thời gian, khái niệm “xem giờ” thực chất đã tồn tại ở dạng “nghe”. Nói vậy, bởi từ những chiếc đồng hồ nước phức tạp của người Hy Lạp và người Rome cổ đại tới chiếc đồng hồ thiên văn khổng lồ của Su Song (Trung Quốc, đã được hoàn thiện vào năm 1088) và tới cả những chiếc tháp đồng hồ thời Phục Hưng trong các tu viện, đánh-chuông-điểm-giờ vẫn luôn là cách phổ biến để một chiếc đồng hồ thông báo với mọi người về giờ giấc. Vì vậy, hiện nay chẳng thiếu những người am hiểu đồng hồ gọi đồng-hồ-đánh-chuông là “đồng-hồ-để-bàn-đeo-tay” hay “clock-watch”. Thậm chí, theo một tạp chí chuyên trách về đồng hồ, sự ra đời của dòng đồng hồ để bàn đeo tay này đã bắt đầu từ việc các nhà chế tác phát hiện tháp chuông đồng hồ có thể cho phép người ta biết giờ ngay cả khi không (hoặc không có khả năng) nhìn vào đồng hồ do tối trời hoặc do bị tật nguyền.

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Thực ra gần như tất cả những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên đều có thể đánh chuông. Vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, những chiếc đồng hồ để bàn đánh chuông báo giờ (hour-striking clock) và những chiếc đồng hồ đeo tay báo thức (alarm watch) đã xuất hiện lần đầu tiên. Phải nói rằng trước khi có đèn điện, và đặc biệt là diêm an toàn, những chiếc đồng hồ đánh chuông theo cách này đã mang lại những tiện dụng ban đầu với những người muốn biết giờ vào ban đêm. Nhưng – có lẽ nếu thiếu chữ “nhưng” nhân loại sẽ chẳng thể có nhiều thứ hay ho tới vậy - chắc chẳng ai muốn cứ phải mắt mở chong chong trong bóng tối chỉ để chờ tới giờ kế tiếp, rồi vồi vội đếm đếm xem tổng cộng là bao nhiêu boong để biết giờ. Nhỡ chẳng may ngủ quên hoặc nhỡ đếm nhầm thì sao? Lại chờ tới giờ kế tiếp để lại vội vội vàng vàng nghe xem mấy chuông hả? Rắc rối có vẻ bắt đầu nảy sinh.

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Theo các ghi chép thì vào thế kỷ 17 ở Anh đã xuất hiện hai nhà phát minh thiên tài. Một người là một tu sỹ có tên là Edward Barlow, người kia là nhà chế tác đồng hồ nổi tiếng Daniel Quare. Hai người này gần như đã cùng lúc phát minh ra cơ chế lặp lại - “repeating” và đều đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên tới năm 1687, vua James II đã trao bằng sáng chế cho Quare. Đơn giản vì phát minh của Quare thực tiễn và hiệu quả hơn so với phát minh của Barlow. Trong khi phát minh của Barlow đòi hỏi hai bộ phận ấn nút để vận hành (một để báo giờ và một để báo ¼ giờ) thì phát minh của Quare chỉ cần một bộ phận để điểm chuông cho cả báo giờ lẫn báo phút. Sự khác biệt này đã quá rõ!

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Nhưng con người vốn tham lam! Trong công nghệ điều này lại càng đúng. Năm 1710, Samuel Watson khiến thế giới chấn động với việc giới thiệu cơ chế đánh chuông báo giờ có độ chính xác tới 5 phút. Trước đó những chiếc đồng hồ đánh chuông thường có sai số cả 15 phút. Nhưng đó chưa phải là mức cuối! 31 năm sau, năm 1741, một người Pháp có tên là Antonie Thiout lại một lần nữa khiến thế giới phải ngỡ ngàng khi giới thiệu cơ chế đánh chuông báo giờ chính xác tới từng phút. Cuộc đua về cơ chế đánh chuông lúc này tạm dừng lại ở đây. Và đột nhiên lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm, người ta phải quay ra đặt câu hỏi: “Ơ, thế cỗ máy hoạt động tương ứng với cơ chế này sẽ phải trông tròn méo ra sao hay trông thế nào ý nhỉ?”.

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Có lẽ tất cả các nghiên cứu, các bằng sáng chế trên sẽ phải hoặc cho vào sọt rác, hoặc kê trên chạn, hoặc thay gối gối đầu giường nếu không có Thomas Mudge. Để “nghe” thời gian từ chiếc đồng hồ đánh chuông báo giờ, một người sẽ ấn vào một lẫy trượt (được phát minh bởi Thomas Mudge) được lắp trên đai của vỏ đồng hồ. Chiếc lẫy trượt này sẽ lập tức khiến cho cơ chế đánh chuông phải hoạt động, đánh vào các chiêng nhỏ - các gong - bên trong. Thông thường một chiếc đồng hồ đánh chuông báo giờ có hai chiếc chiêng. Một chiếc có âm vực cao và một chiếc có âm vực thấp. Chẳng hạn với thời gian là 2:35, đồng hồ sẽ đánh hai tiếng chuông có âm vực cao – đinh, đinh. (Mỗi lần đinh được coi là một giờ). Kế đó là 2 hợp âm của âm vực cao kết hợp với âm vực thấp – đinh đoong và đinh đoong. (Mỗi lần đinh đong được tính là 15 phút). Cuối cùng là đinh, đinh, đinh, đinh, đinh – cả thảy 5 tiếng. (Mỗi tiếng đinh được coi như một phút). 

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Thực tế đồng hồ đánh chuông không chỉ có mỗi loại đánh chuông báo giờ thành tiếng. Sự tinh tế, cầu kỳ, khéo léo của đồng hồ giống như cái nôi để các sáng tạo có thể mặc sức thăng hoa, bay bổng. Một trong những sáng tạo có thể được coi là đỉnh cao của sự tinh tế - riêng tôi, tôi đánh giá sáng tạo này trên tất cả những sáng tạo kỹ thuật khác của ngành chế tác đồng hồ - là đồng hồ đánh chuông báo giờ “câm”. Chiếc đồng hồ này là sáng tạo của Abraham Louis Breguet. Cả bây giờ lẫn thời đó, người ta đều coi việc xem đồng hồ khi tiếp khách là một trong những điều rất thiếu tôn trọng người đối diện. Vậy là Breguet đã tạo ra một chiếc đồng hồ để mỗi khi trượt lẫy, bộ phận đánh chuông thay vì đánh vào cồng và tạo ra những tiếng đinh đoong, nó sẽ đánh vào một bộ phận trong đồng hồ và tạo ra những rung động ngắn dài khác nhau. Những rung động này chạm vào tay người đeo sẽ ý nhị cho họ biết bây giờ là mấy giờ.

Sự ra đời của cơ chế Minute Repeater

Cuối cùng, trên tất cả, chất lượng và sự cầu kỳ của những chiếc đồng hồ đánh chuông báo giờ khiến cho chúng chẳng hề e dè trước những bất ổn của kinh tế. (Hệt như những chiếc đồng hồ với bộ phận tourbillon huyền thoại vậy. Bạn sẽ không thể tin vào mắt mình khi đọc những thông tin sau một chiếc đồng hồ tourbillon và minute repeater của Speake-Marin có giá $500.000, hoặc một chiếc đồng hồ minute repeater va perpetual calendar của Vacheron Constantin có giá $460.000). Chúng quả thực là thứ hàng hiếm chỉ dành cho những tay sưu tập chuyên nghiệp. Có lẽ với những tay chơi sành sỏi này, những chiếc đồng hồ đánh chuông báo giờ chính xác tới từng phút mang lại cho họ những thích thú đặc biệt, những thích thú của việc lắng nghe những âm thanh – thứ âm thanh phức tạp nhưng tinh tế của một thực thể bằng… cơ khí.

Theo Tinh Tế
  • 52
  • 704