Sự thật đen tối và bất nhân đằng sau những kiệt tác về chim hoang dã của người Trung Quốc

  •   49
  • 22.507

Để có được những tấm hình tuyệt đẹp và giàu tính "tự nhiên" nhất, các nhiếp ảnh gia đã không ngần ngại phá luôn sự tự nhiên vốn có của các loài chim.

Ngày 23/6/2021, một nhiếp ảnh gia đã tải lên Weibo những tấm hình về chiếc tổ chim vàng anh gáy đen (Oriolus chinensis) tại Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trong ảnh là 2 con chim vàng anh với vẻ ngoài khác lạ, sở hữu thân vàng nhưng cánh và đuôi màu đen, và một vòng đen xung quanh mắt. Chúng đứng hiên ngang trong tổ, xung quanh là đàn con đang nghển cổ, chờ được ăn.

Nhìn chung, đó là một tấm ảnh đẹp. Ánh sáng cho bức hình là quá hoàn hảo để một tay máy nghiệp dư có thể thử nghiệm tay nghề. 

Vấn đề là, nó quá hoàn hảo đi.

Tấm hình được đăng tải trên Weibo.
Tấm hình được đăng tải trên Weibo.

Cũng trên chính bài đăng đó, nhiếp ảnh gia này đã đùa cợt về chuyện anh ta phải cắt tỉa chiếc tổ rất cẩn thận sao cho nó có hình dáng của một chiếc thìa. Và trong đoạn video đăng tải lên Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc), có thể thấy người này thực sự đã làm như vậy với một tổ chim khác - loài thiên đường đuôi phướn (Terpsiphone incei)

Thực tế là việc cắt tỉa tổ chim và cành lá xung quanh không chỉ "giúp" chiếc tổ trông rõ ràng hơn dưới ống kính máy ảnh, mà còn khiến nó lộ ra dưới ánh Mặt trời và con mắt của những kẻ săn mồi. Trớ trêu thay, bức hình để đời của các nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể khiến chúng chết một cách tức tưởi.

Thực tế ấy đã đúng. 3 ngày sau, một blogger bảo tồn thiên nhiên đã đăng lên Weibo một bức hình về chính chiếc tổ chim của nhiếp ảnh gia kia. Ít nhất 1 chim non đã chết, và chim bố mẹ đã vứt bỏ cái xác đó. Bài đăng nhận được hàng chục ngàn lần chia sẻ, tạo ra một làn sóng phẫn nộ xoay quanh lời đồn đoán rằng chim chết là vì bị ánh nắng chiếu vào quá lâu.

Nhưng đây lại chẳng phải trường hợp cá biệt. Nó tồn tại từ rất lâu rồi, theo lời những người yêu thiên nhiên và nhiếp ảnh gia gạo cội ở Trung Quốc

Các nhiếp ảnh gia đổ xô đi chụp chim.
Các nhiếp ảnh gia đổ xô đi chụp chim.

Tháng 5/2017, tại Công viên Nam Hối (Thượng Hải), thảm thực vật xung quanh một tổ chim đã bị cắt bỏ hoàn toàn, và chẳng còn con chim nào ở đó cả. Tháng 4/2020, một nhiếp ảnh gia đã cắt tỉa cành lá quanh tổ của một nhà chim phường chèo đỏ (Pericrocotus ethologus) ở Công viên Hắc Long Đàm (Côn Minh), và khiến toàn bộ chim non trong tổ chết vì mưa sau đó vài ngày.

Và không chỉ là phá tổ đâu. Vài năm gần đây, kim và dây cước giấu trong thức ăn dùng làm mồi nhử đã khiến vô số các loài chim phải chết. Họ bẫy chúng để thực hiện những thước phim từ xe ô tô, khiến chúng bay đến kiệt sức. Số khác thì thiệt mạng sau khi bị bắt và mang về studio để chụp ảnh. 

Birdnet - cộng đồng những người yêu chim chóc tại Trung Quốc, thì luôn đặt "tính tự nhiên" của các loài chim lên trên tất cả. Nhưng thực tế thì một nhà hoạt động năng nổ của cộng đồng này vẫn đang tiếp tục đăng tải những bức ảnh "nhìn là thấy có sự sắp đặt" lên, và nhận được nhiều ủng hộ.

Sự thật đen tối đằng sau những kiệt tác

Tháng 7/2021, 1 đôi chim lặn xây tổ trên lá sen ở hồ Ngọc Uyên Đàm (Bắc Kinh). Nhưng năm nay, sen trên hồ mọc không cao như thường thấy. Nó khiến chiếc tổ chim trở nên lộ rõ hơn trong mắt người qua đường. 

"Chim lặn là loài có tính trách nhiệm cao: khi xây tổ, con trống và con mái đều không tiếc sức nhổ sạch cỏ. Khi xây xong, một con ấp trứng, con còn lại đi kiếm ăn" - một nhiếp ảnh gia sống gần hồ cho biết.

Đôi chim nhỏ bé thực chất đã xây tổ khi những bông sen nhỏ chớm nở. Nhưng rồi bi kịch xảy ra. 2 chiếc tổ liền chứa tổng cộng 7 quả trứng đã bị mưa phá hủy. Đến khi chiếc tổ thứ 3 được xây và trứng mới được đẻ, nó lại bị một đợt sóng từ 4 chiếc thuyền cao tốc nhấn chìm.

Yan - một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã chứng kiến tất cả. "Chim mái lượn vòng quanh tổ, và phải chứng kiến đàn con của mình chìm xuống đáy hồ."

Ảnh chụp tại Hàm Đan, Hà Bắc
Ảnh chụp tại Hàm Đan, Hà Bắc.

Vậy là đôi chim phải làm lại từ đầu, xây chiếc tổ thứ 4 trên chiếc lá sen sát bờ. Nhưng trước khi hoàn thiện, chim mái đã phải đẻ trứng trên một chiếc lá khác. "Nó không thể nhịn lâu hơn nữa" - Yan nhận xét.

Những ngày sau, sáng nào Yan cũng cẩn thận quan sát đôi chim. Lần cuối cùng là vào ngày 12/7, giữa một trận bão lớn. Với chiếc ô kẹp trên vai, ông chụp lại cảnh đôi chim nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ trứng trong trận mưa như trút nước. Ông kiên nhẫn, hòng thỏa trí tò mò về số phận của đôi chim cùng tổ trứng của chúng sẽ ra sao. 

Nhưng không phải nhiếp ảnh gia nào cũng có tâm và đủ đạo đức như Yan. Số chim chết và bị thương vì những người như vậy nhiều không đếm xuể. Như câu chuyện mà Sen Lin, một người yêu chim chóc từ những năm 1980 đã từng chứng kiến.

Một nhiếp ảnh gia chụp đôi chim ở Ngọc Uyên Đàm.
Một nhiếp ảnh gia chụp đôi chim ở Ngọc Uyên Đàm.

Đó là cách đây 5 năm, người ta nhìn thấy một đôi chim oanh Nhật Bản (Larvivora akahige) tại Thiên Đàn (Bắc Kinh). Đây là loài chim di trú, thuộc họ chim sẻ, gần như không bao giờ xuất hiện tại thành phố này. Nhưng chỉ vài ngày sau, ai đó đã có trong tay bức ảnh chụp cận cảnh đôi chim này. Chỉ là tấm ảnh lộ rõ một chiếc móc câu lộ ra ngoài cổ họng, chứng tỏ con chim đã nuốt phải nó khi ăn mồi nhử của tay nhiếp ảnh gia kia.

Và chẳng ai biết về số phận của đôi chim này ra sao nữa.

Khuất mắt trông coi

Trong khi tay nhiếp ảnh chụp tổ chim vành khuyên gáy đen tại Bình Sơn ngang nhiên đùa cợt về chuyện cắt tỉa cái tổ, rất nhiều người khác lại chối bỏ hành vi của mình.

Ở công viên Ngọc Uyên Đàm, một nhiếp ảnh gia khác kể rằng cô từng nhìn thấy bức ảnh trên một nhóm chat, về một tổ chim với vài quả trứng bên trong mà không có cành lá nào xung quanh, được chụp thẳng từ trên xuống.

Nghi ngờ rằng người chụp đã gây xáo trộn chiếc tổ, cô viết một đoạn thư gửi vào nhóm để hỏi cách tay nhiếp ảnh đó thực hiện tấm hình. Nhưng dù có hỏi đi hỏi lại, không có bất kỳ phản hồi nào.

Một trường hợp khác xảy ra tại Công viên giải trí Lao Sơn, cách Ngọc Uyên Đàm chỉ 10km. Cai, một người yêu chim chóc đang chụp ảnh nhà cú mèo châu Âu (Otus scops) đậu trên cây óc chó. Trong tấm ảnh có 3 con cú, tất cả nhìn về phía ống kính, nhưng đôi mắt của chúng mở to và đầy cảnh giác.

Các tay máy tập trung khi nghe tin có một loài chim hiếm xuất hiện.
Các tay máy tập trung khi nghe tin có một loài chim hiếm xuất hiện.

Cai chẳng phải người duy nhất chú ý đến lũ cú. Cứ mỗi khi có loài chim hiếm nào xuất hiện, sẽ rất nhanh thôi cộng đồng mê chim chóc sẽ biết. Và sau đó chuyện ống kính máy ảnh "bay" tới chỉ còn là vấn đề thời gian.

"Lũ cú chỉ cần có cử động dù là nhỏ nhất, thậm chí chỉ mở mắt thôi, lập tức tiếng bấm máy sẽ vang lên," - một báo cáo hôm 8/7 ghi lại. Tối ngày hôm đó, có người còn chiếu đèn flash vào thẳng mặt lũ cú để tiện chụp, cho đến khi bảo vệ công viên đứng ra ngăn chặn.

Với các loài chim ăn đêm - như cú, ban ngày là thời điểm để chúng nghỉ ngơi. Nhưng trong mọi tấm hình, mắt của chúng đều mở rất to, gửi đến ống kính một ánh nhìn có phần hăm dọa. Nhưng Cai thích hiểu ánh mắt đó là một may mắn cho sự nghiệp của mình, không mảy may suy nghĩ về sự phiền toái mà mình đã gây ra. 

Theo Yan, chuyện dùng mồi để dụ chim thực chất không quá tiêu cực, và ông cho rằng mình có một tiêu chuẩn cao hơn trong chuyện này. "Nếu phải đặt bẫy, tôi sẽ dùng thực phẩm có sẵn trong tự nhiên để hành vi của chim chóc không bị ảnh hưởng. Bạn không thể đánh đồng cộng đồng này vì một vài trường hợp cực đoan được."

Có thể Yan đúng, nhưng không phải nhiếp ảnh gia nào cũng đủ kinh nghiệm và chuyên nghiệp, cũng không di chuyển rất xa như ông. Rất nhiều người chỉ là nghiệp dư, hoạt động ở gần nơi mình sinh sống, và họ chia sẻ tác phẩm của mình cho cộng đồng thông qua các nhóm chat hoặc diễn đàn.

Họ đăng hình lên để tìm được sự ghi nhận từ cộng đồng có chung sở thích. Như Li Qiang, cựu chủ tịch của một hội yêu chim nhận định mục tiêu chung của họ khi cầm máy là để chụp "những tấm ảnh đẹp cận cảnh, không bị che lấp về các loài chim."

Cả 3 con cú mèo nhìn về phía ống kính, nhưng đôi mắt của chúng mở to và đầy cảnh giác.
Cả 3 con cú mèo nhìn về phía ống kính, nhưng đôi mắt của chúng mở to và đầy cảnh giác.

Và cũng chẳng phải toàn bộ các nhiếp ảnh gia nghiệp dư phải tự tay quấy rối các loài chim. Họ đơn giản chỉ hưởng lợi sau khi có ai đó làm trước họ mà thôi. "Nhưng chỉ một số ít cũng đủ để gây to chuyện," - Sen Lin cho hay. 

Hoạt động quanh Thiên Đàn, nhiều năm qua Sen đã trông thấy nhiều chuyện không hay. Ông từng thấy người ta xúm vào quanh một bầy cú, hoặc chặn đường vào tổ của chim bói cá để không cho chúng lẩn trốn ống kính nữa.

Mỗi lần tìm cách ngăn cản, ông đều nhận về thái độ tức giận. "Tôi chụp ảnh cho vui, và tôi sẽ làm mọi thứ tôi muốn để vui," - lời đáp trả ông thường nhận về là như vậy. Và cũng chẳng ai giúp đỡ ông cả. "Họ sẽ nghĩ 'có người đã mất công sắp xếp để tôi thấy vui vẻ mà chẳng phải nỗ lực gì. Vậy tại sao phải ra cản họ chứ?'" - ông chia sẻ thêm. 

Thêm vào đó là vấn đề xả rác - cũng là điều Sen Lin thấy khó chịu nhất. "Cứ mỗi khi có trên 5 người chụp, lập tức có đầu lọc thuốc lá nằm vương vãi. Không thì túi rác, chai nhựa, rất nhiều." Sen chia sẻ, có lần ông nhặt về 400 đầu lọc chỉ trong khu đất với bán kính chưa đầy 20m. Một lần khác, ông nhặt về 4 chiếc túi chứa tổng cộng gần 100kg rác, sau một sự kiện chụp ảnh ở ngoại ô Bắc Kinh. 

Đặt bẫy dụ chim.
Đặt bẫy dụ chim.

Cũng trong lần đó, ông thấy một con cú châu Âu chết vì kiệt sức, sau khi bị các tay nhiếp ảnh liên tục đuổi đánh để chụp cảnh nó cất cánh bay.

Quá chán nản, Sen rời khỏi cộng đồng từ cách đây 4 năm. Ông cũng chưa chụp lại tấm ảnh nào về chim chóc kể từ lúc đó.

Những tiêu chuẩn về đạo đức

Guan Xiangyu, giám đốc điều hành Hiệp hội Quan sát chim Trung Quốc nhấn mạnh rằng có một số quy định bất thành văn liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, quan trọng nhất là phải giữ khoảng cách khi quan sát hoặc chụp ảnh chim chóc, tránh để chúng cảnh giác vì sự hiện diện của con người.

Nhưng chính quy định này cũng khá phức tạp. Bởi lẽ, khoảng cách an toàn là bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào thời điểm trong ngày, trong năm và tùy từng loài chim. Thậm chí trong cùng loài, mỗi cá thể cũng sẽ khác biệt. 

Việc tụ tập để chụp ảnh sẽ khiến chim trưởng thành ngần ngại cho con ăn hơn, trong khi những tác động vào tổ chim làm chúng gặp rủi ro chết sớm - cả vì thiên tai lẫn bị săn. Ngay cả quạ và ác là - những loài vốn không săn mồi, thi thoảng cũng sẽ trộm trứng hoặc tấn công chim non nếu có cơ hội quá rõ ràng.

Một tổ chim bị phát quang để phục vụ nhiếp ảnh.
Một tổ chim bị phát quang để phục vụ nhiếp ảnh.

Đầu năm 2021, sau khi biết có một cặp chim ô tác (Otis tarda) xuất hiện tại Thông Châu (Bắc Kinh), hội nhiếp ảnh đã lập tức phủ kín khu vực. Mỗi ngày, hàng chục chiếc xe đậu gần cánh đồng nơi đôi chim làm tổ, mang theo máy ảnh và tripod. Họ bao vây tổ chim, có lúc còn tìm cách đuổi cho chúng bay lên để chụp nên những tấm hình để đời.

Sau đó, một số người phát hiện ngực của chim trống đã chảy máu. Dù không biết tại sao nó bị thương, nhưng điều này chẳng ngăn được các tay máy vô tâm đuổi 2 con chim vào trong cánh đồng lúa mì bên cạnh.

Vấn đề là ở Trung Quốc, các quy định về nhiếp ảnh chim chóc cải tổ rất chậm. Tháng 6/2020, đạo luật bảo vệ tự nhiên bắt đầu có hiệu lực, trong đó cấm các hành vi "đánh đuổi, làm phiền, cho ăn, đặt bẫy (vì mục đích chụp ảnh), phát ra âm thanh quá lớn, rọi đèn hay bất kỳ hành động nào có thể gây xáo trộn cuộc sống và khả năng sinh sản của động vật tự nhiên."

Một số khu vực khác như Hiếu Cảm (Hồ Bắc), Thái Nguyên (Sơn Tây) và Xích Phong (Nội Mông) cũng đã đặt ra quy định riêng cho việc chụp ảnh chim chóc, đặc biệt là vào mùa sinh sản.

Cuối tháng 5/2020, nhiều nhiếp ảnh gia đã cố tình gài mồi kèm dây kẽm sắc nhọn lên vườn hoa ở Bắc Kinh. Nó nghiêm trọng đến mức buộc bảo vệ vườn phải cảnh báo: "Sử dụng côn trùng để dụ chim chóc là điều bị nghiêm cấm. Chúng tôi sẽ báo cho cảnh sát và kiểm lâm khu vực nếu có vi phạm."

Kể từ đó, những sự việc như vậy giảm mạnh, nhưng về cơ bản đa số người thuộc cộng đồng tỏ ra bất phục, cho rằng quy định đã gây cản trở sự sáng tạo vì nghệ thuật của họ.

"Toàn bộ những tấm ảnh chim cho con ăn trong tổ đều cần phải cắt tỉa trước. Nếu không thì chụp làm sao được? Làm sao chúng tôi kiếm sống được? Hãy để mọi người vui vẻ đi. Sau cùng, con người vẫn là lũ sinh vật ích kỷ" - một nhiếp ảnh gia thẳng thắn viết trên Weibo.

Cập nhật: 12/11/2021 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 49
  • 22.507