Sự thật ít ai biết về những tờ cáo thị thời xưa: Tội phạm muốn thoát thân cũng khó!

Tờ cáo thị vẽ tội phạm bị truy nã rất xấu: Vì sao quan phủ thời xưa vẫn bắt được người?
  •   45
  • 7.074

Dù hình vẽ trên cáo thị được vẽ xấu đến mức đến người thân của tội phạm cũng khó lòng nhận ra. Nhưng, tội phạm vẫn khó lòng chạy thoát! Tại sao?

Trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc, hẳn bạn đã ít nhất 1 lần nhìn thấy những tờ cáo thị truy tìm tội phạm đang lẩn trốn được dán khắp trên những bức tường.

Trên tờ cáo thị thường vẽ hình ảnh chân dung và ghi lại thông tin tên tuổi của tội phạm. Nhưng hình vẽ trên tờ cáo thị thường có nhiều khác biệt so với dung mạo người thật. Do đó, rất nhiều người cho rằng, những tờ cáo thị đó là vô dụng, quan phủ thời xưa sẽ rất khó tóm gọn được tội phạm.

Trước khi phát minh ra máy ảnh, rõ ràng nếu người xưa muốn ghi lại hình dạng của chính mình thì phải nhờ đến các họa sĩ. Đương nhiên, với các vị hoàng đế và các quan đại thần nổi tiếng, bức chân dung của họ đều do những họa sĩ bậc thầy thực hiện. Do đó, mức độ chân thật giữa hình vẽ và ngoài đời không quá khác biệt.

Ngược lại, vào thời xưa, nếu muốn truy bắt tội phạm, các họa sĩ tạm thời được quan phủ thuê lại không thực sự đáng tin cậy. Hình vẽ trên tờ cáo thị thường có sự khác biệt nhiều so với dung mạo thật của tội phạm. Chân dung của các tội phạm trên lệnh truy nã thường bị mất nét, khó nhận dạng, nhưng quan phủ vẫn bắt được và đưa họ ra trước công đường. Nguyên nhân vì sao?

Tuy nhiên, trên thực tế, những tội phạm thời phong kiến tại Trung Quốc lại khó lòng chạy thoát khỏi sự truy bắt của quan phủ. Bởi thời đó, việc tìm tội phạm truy nã của quan phủ không chỉ dựa vào hình vẽ tội phạm trên những tấm cáo thị mà chủ yếu phụ thuộc vào 3 cách sau đây.

Hình ảnh người của quan phủ cầm những tờ cáo thị đi tìm tội phạm lẩn trốn trong các bộ phim cổ trang.
Hình ảnh người của quan phủ cầm những tờ cáo thị đi tìm tội phạm lẩn trốn trong các bộ phim cổ trang. (Ảnh: Baidu).

Cách 1: Hệ thống giấy tờ nhận dạng thân phận

Nhìn chung, vào thời cổ đại, nếu muốn truy bắt một người, bên cạnh hình vẽ minh họa, quan phủ thường mô tả chi tiết các đặc điểm cụ thể trên khuôn mặt, một vài chi tiết về cuộc sống hàng ngày của kẻ bị tình nghi phạm tội.

Mặc dù ở thời cổ đại, tỷ lệ người dân bình thường biết chữ là rất ít. Tuy nhiên, do việc dán cáo thị ở khắp nơi, nên sẽ luôn có một vài người biết chữ đọc được. Do đó, sự kết hợp giữa hình vẽ minh họa và thông tin trên tờ cáo thị sẽ giúp người dân có thể nhận biết tội phạm đang lẩn trốn. Những tội phạm truy nã vì thế cũng rất khó trà trộn vào đám đông.

Hơn nữa, hệ thống nhận dạng thời phong kiến khá giống với những loại giấy tờ cá nhân của người dân ngày nay như: Chứng minh thư, căn cước công dân... Trải dài qua nhiều triều đại, loại giấy chứng nhận thân phận này tại Trung Quốc lại có những tên gọi khác nhau.

Tại thời phong kiến, nếu như 1 người không có giấy chứng nhận thân phận này thì sẽ khó lòng thuê quán trọ để ở. Thậm chí, họ có đến nhà dân để xin ở nhờ cũng rất khó. Nếu có người lạ đến nhà, người dân sẽ hỏi giấy chứng minh thân phận đầu tiên. Nếu không có giấy đồng nghĩa rằng họ có lai lịch bất minh. Chính vì vậy, những tội phạm đang bị truy nã muốn lẩn trốn ở nhà dân cũng rất khó.

Việc tìm nơi lẩn trốn với những tên tội phạm trở nên khá "khó nhằn" vì cơ chế này. Bởi họ không thể trình giấy chứng minh thân phận ra vì đang lẩn trốn. Nhưng nếu không trình ra, sẽ không ai cho họ ở nhờ hoặc thuê trọ. Do đó, những tên tội phạm chỉ còn đường lang thang, ẩn dật tại nơi đầu đường xó chợ hoặc những ngôi miếu hoang.

Tại những nơi này, những tên tội phạm có thể thoát khỏi sự truy bắt nhưng lại không có chỗ ngủ nghỉ đàng hoàng, càng khó lòng tìm kiếm thức ăn. Nhưng nếu 1 khi ló mặt ra bên ngoài, họ lập tức sẽ bị những toán lính quan phủ 'tóm gọn'. Có thể thấy, cho dù chúng chọn con đường nào thì cũng sẽ khó mà thoát thân.

Cách 2: Quy chế tội liên đới

Quy chế này được thực thi tại thời nhà Tần (Trung Quốc). Dựa theo quy định này, cứ 10 hộ gia đình sẽ được quy thành 1 giáp (1 kiểu biên chế hộ khẩu thời xưa). Nếu như trong số 10 hộ này có gia đình nào có người phạm tội, 9 hộ còn lại phải có trách nhiệm báo cáo. Nếu không báo cáo sẽ phải chịu tội tương đương.

Không chỉ vậy, vào thời xưa, sự khác biệt về ngữ điệu, cách phát âm (hay nói cách khác là giọng địa phương) giữa các khu vực cực kì sâu sắc. 1 khi có người lạ từ nơi khác đến, người dân bản địa rất nhanh sẽ nhận ra. Khi được hỏi về thân phận, nếu không nói rõ được sẽ bị người dân báo lên quan phủ.

Cách 3: Tiền treo thưởng

Trên những tờ cáo thị, quan phủ sẽ ghi rõ số tiền treo thưởng cho ai tìm được tội phạm. Nếu đích thân đưa tội phạm đến nha môn, số tiền thưởng sẽ càng nhiều hơn.

Minh họa 1 tờ cáo thị tìm tội phạm thời xưa.
Minh họa 1 tờ cáo thị tìm tội phạm thời xưa. (Ảnh: Baidu).

Số tiền treo thưởng thường từ 100 đến 1.000 lượng bạc. Nếu quy đổi ra tiền hiện đại, ngay từ thời nhà Đường, 1 lượng bạc đã bằng 3.000 NDT (khoảng gần 11 triệu VND). Tại thời Tống, 1 lượng tương đương 1.300 NDT (tức khoảng gần 5 triệu VND). Như vậy, con số 100 đến 1.000 lượng bạc tiền thưởng là khá lớn ở các thời đại đó.

Tuy nhiên, để giành được số tiền này cũng không dễ dàng. Bởi các đối tượng đang bị truy nã đều phạm trọng tội, rất nguy hiểm. Thế nhưng, vào thời đại đó, vẫn có rất nhiều người lao vào "săn" tiền treo thưởng bắt tội phạm để 1 bước lên mây, trở nên giàu có.

Cập nhật: 10/03/2023 Theo Dân Việt/TTVH
  • 45
  • 7.074