Tạp chí khoa học của Mỹ Live Science đã giải mã trở lại một số quan niệm khoa học có chất huyền thoại phổ biến nhất. Thì ra không phải tất cả những chuyện lưu truyền này đều là hoang đường... Nhưng vì sao có những chuyện bị hiểu sai lầm như vậy? Chẳng ai có thể biết được!
Gà bị cắt cổ vẫn có thể sống? - Đúng
Thật sự là vài phút sau khi bị cắt cổ, con gà vẫn "sống". Nó có thể chạy, thậm chí còn cố bay nữa. Nguyên nhân là sau khi mất đầu, một phần thần kinh thực vật của não gà kiểm soát mọi phản xạ vẫn còn nguyên. Người ta từng biết một chú chàng khỏe mạnh sống 18 tháng không đầu.
Não người chỉ làm việc có 10% công suất? - Sai
Sai lầm này đã tồn tại hàng thế kỷ. May mắn (hay bất hạnh) thay, sự thật không phải vậy. Các nghiên cứu về từ trường của não cho thấy phần lớn vỏ não hoạt động tích cực trong cuộc đời con người. Não hoạt động kể cả khi chúng ta ngủ.
Trong vũ trụ không có lực hấp dẫn? - Sai
Sai lầm này là do tồn tại các thuật ngữ đại loại như “sức hút bằng không” và “tình trạng không trọng lực”. Trên thực tế, lực hấp dẫn có ở khắp nơi, tác động như nhau lên tất cả mọi con người. Các nhà du hành vũ trụ trên quĩ đạo cảm nhận tình trạng chân không chỉ vì họ phải thường xuyên rơi tự do về phía Trái đất cùng với con tàu của mình. Ngay cả việc cho rằng trong vũ trụ là chân không cũng sai lầm nốt. Thực tế, trong không gian giữa các vì sao đầy những nguyên tử và phân tử, chỉ có điều khoảng cách giữa chúng xa hơn trên Trái đất.
Ăn một hạt anh túc cũng bằng hút cần sa? - Đúng
Mặc dù một hạt của cây anh túc không mang tới cho chúng ta được vài phút trong "thế giới bềnh bồng" như người sử dụng ma túy từng biết, nhưng chúng vẫn gây vấn đề cho bạn. Bởi lẽ ít lâu sau khi bạn nuốt một hạt và đi thử máu thì kết quả chất ma túy trong máu sẽ là dương tính!
Đồng tiền rơi từ một cao ốc có thể giết người? - Sai
Một đồng tiền thông thường không thể là vũ khí từ quan điểm chuyển động học. Vì gió và vì lực cản của không khí nên một đồng tiền tuy có lớn và được ném từ một tòa nhà chọc trời như Empire State, cao 380m, cũng không thể rơi nhanh tới nỗi mang tới cho ai đó chấn thương.
Tế bào não người lớn không phát triển? - Sai
Mặc dù bộ não người tích cực tăng trưởng và trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu ở giai đoạn đầu của đời người, tuy nhiên sự phát triển của tế bào não tiếp tục khi con người đã trưởng thành.
Xúp gà có thể chữa cảm lạnh thông thường? - Gần đúng
Không thể chữa cảm lạnh bằng xúp gà, nhưng các nhà khoa học ủng hộ việc bắt bệnh nhân dùng một chút nước nấu gà, bởi trong nước xúp này có một số chất có tính chống viêm nhiễm, giúp bệnh không trầm trọng thêm.
Ngáp có thể lây? - Gần đúng
Kinh nghiệm cho thấy khi một người bắt đầu ngáp, anh ta “lây” cái ngáp đó cho những người xung quanh. Khó có thể nói điều đó chính xác thế nào từ quan điểm khoa học, nhưng một số nhà nhân chủng học cho rằng phản xạ bắt chước người khác được con người thừa hưởng từ tổ tiên mình - loài vượn.
Sét không bao giờ đánh một chỗ hai lần? - Sai lầm nguy hiểm
Thực tế là ngược lại. Tia chớp có những “ưu tiên” của nó. Mọi người đều biết sấm chớp đánh vào những chỗ cao, vì thế không nên trốn sét dưới gốc cây từng bị sét đánh. Empire State bị sét đánh trung bình 25 lần/năm.
Tóc và móng tiếp tục dài sau khi người ta chết? - Sai
Sau khi người ta chết, mọi quá trình trong cơ thể lập tức ngưng lại. Tóc và móng cũng vậy. Sai lầm này xuất hiện đơn giản vì những ảo ảnh. Sau khi chết, cơ thể người mất nước nên da khô lại, làm tóc và móng có vẻ như dài ra.
Luật năm giây? - Sai
Có người cho rằng thức ăn rớt xuống sàn nhưng kịp nhặt lên trong vài giây, nhất là đồ chiên rán, sẽ không kịp nhiễm virus. Thực tế chứng minh rằng các loại vi khuẩn độc hại có thể bám vào thức ăn bất cứ khi nào chúng tiếp xúc.
Sinh vật có thể đánh hơi trước thảm họa thiên nhiên? - Có vẻ không đúng
Vẫn chưa có bằng chứng về việc có “giác quan thứ sáu” nơi loài vật. Nhưng độ thính nhạy của khứu giác, thính giác và thị giác, những bản năng bẩm sinh của loài vật phát triển hơn so với ở con người - giúp chúng đánh hơi được hiểm họa. Vì thế súc vật không bao giờ vì tò mò mà chạy tới xem bão tố hay sóng thần. Hơn thế nữa, loài vật cũng chết nhiều vì thiên tai. Vì thế nếu có giác quan thứ sáu đi chăng nữa, xem ra chúng cũng không giúp được gì.
Vạn lý trường thành là kỳ quan nhân tạo duy nhất có thể được nhìn thấy từ vũ trụ? - Sai
Các phi hành gia có thể thấy nhiều kỳ quan từ quĩ đạo thấp của vũ trụ - như các kim tự tháp, thậm chí đường băng của các sân bay lớn. Nhưng trên thực tế để nhìn thấy được bức tường thành mà không biết chính xác nó ở đâu thì phức tạp hơn so với những điểm khác. Càng không thể thấy Vạn lý trường thành từ Mặt trăng.
Cứ mỗi 7 giây, đàn ông lại nghĩ về tình dục? - Không đúng
Dĩ nhiên, nghĩ về việc tạo ra nòi giống có trong bản năng của mỗi con người. Nhưng kiểm soát một cách khoa học về tần số xuất hiện các suy nghĩ này là không thể. Theo một số nghiên cứu xã hội học, cứ mỗi 7 giây một lần thì là một sự phóng đại.
Những vụ lừa dối đáng nhớ
Vụ “bệnh nhân ma”
Cách đây vài tháng, tạp chí y học danh tiếng The Lancet của Anh đã dính phải “quả lừa”: một nghiên cứu đầy đặn về ung thư miệng ký tên đồng tác giả những 14 nhà khoa học quốc tế. Nhà nghiên cứu chủ xị là bác sĩ người Na Uy Jon Sudbo, 44 tuổi, sau đó thú nhận đã dựng ra hàng trăm hồ sơ bệnh án để làm đầy đặn cho nghiên cứu của mình. Các vị đồng ký tên hoàn toàn vô can vì bị “xỏ mũi”.
Gen đồng tính
Năm 1993 tiến sĩ Dean Hamer (Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ) đăng một bài trên tạp chí Science trong đó nói rằng ông đã phát hiện được “gen gây đồng tính ái”, hay chính xác hơn là một chỉ dấu lạ trên nhiễm sắc thể X thường thấy ở phần lớn những người đàn ông đồng tính ái. Thông tin chấn động quá đi mất vì như thế đồng tính ái không bị xem là bệnh lý mà là có chất di truyền. Nhưng khi bình tĩnh xem xét lại, người ta phát hiện nhiều kết quả trong nghiên cứu đã bị thổi phồng quá mức, chưa kể phương pháp nghiên cứu có vấn đề.
Vụ hợp nhân lạnh
Năm 1989, vào lúc mà người ta còn đang phân vân tự hỏi không biết liệu dự án ITER (Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế) có đủ khả năng thực hiện tái hợp hạt nhân trong lò phản ứng khổng lồ hay không thì Stanley Pons cùng đồng nghiệp Martin Fleishmann - hai nhà điện hóa học của ĐH Utah (Mỹ), tuyên bố đã thực hiện được phản ứng hợp nhân có kiểm soát ở nhiệt độ bình thường (tạo ra helium từ nguyên tử hydro) bằng cách đưa vào trong nước nặng một cây kim bằng palladium.
Giá palladium ngoài thị trường nhảy vọt lên như tên lửa và tất cả các phòng thí nghiệm trên thế giới đều đổ xô vào thực hiện “hợp nhân lạnh”. Tất nhiên họ chẳng bao giờ làm lại được thí nghiệm như Pons và Fleishmann đã công bố vì hai nhà khoa học trên đã giả mạo các số liệu.
Vụ bộ tộc tiền sử
Năm 1972, Manuel Elizalde, công chức trẻ dưới trào chính phủ Marcos, “phát hiện” được một bộ tộc tiền sử ở Philippines. Bộ tộc ăn lông ở lỗ này, được đặt tên là Tasaday, lập tức lên ngay bìa một của tờ tạp chí National Geographic, và Đài truyền hình NBC không ngần ngại ký ngay tấm ngân phiếu 50.000 USD cho Elizalde thực hiện bộ phim tài liệu về cộng đồng độc đáo đó. Ba năm sau người ta mới té ngửa ra rằng bộ tộc thời hồng hoang đó kỳ thực là những thổ dân địa phương được mời đóng vai người tiền sử sống trong hang đá.
TRẦN ĐỨC THÀNH - N.QUÂN