Sự thật về “Hồ không đáy” ở Serbia

  •   4,321
  • 29.168

Nhiều thế kỷ nay, hồ Sobolkho ở Siberia đã gắn liền với hàng trăm truyền thuyết bí ẩn và không kể xiết những đồn thổi “tai tiếng”: là thủ phạm của tất cả những vụ mất tích, là nơi tề tựu của hồn ma chết oan... Và đặc biệt, chưa bao giờ người ta đo được đáy hồ.

Soblkho - "Hồ không đáy" bí ẩn tại Serbia

Dân trong vùng Buryatia, bất kể đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, tuyệt nhiên không ai dám bén mảng quanh khu vực Hồ Sobolkho. Chẳng những người ta e ngại về bí mật “không đáy” mà còn khiếp sợ bởi hàng trăm câu chuyện hư thực được thêu dệt quanh đây.

Nếu chẳng may có 1 vụ mất tích bí ẩn của người hay gia súc thì nhất định, thủ phạm chỉ có thể là Sobolkho - dân làng luôn quả quyết như vậy cho dù chưa bao giờ kéo được xác từ đáy hồ. Rùng rợn hơn, những kẻ xấu số bị hồ nuốt chửng có khi lại nổi xác ở sông ngòi khác tận đâu đâu - một bí ẩn mà mấy trăm năm nay chưa ai có thể giải thích.

Sự thật về “Hồ không đáy” ở Serbia

Đấy là chưa kể hàng đêm mặt hồ luôn phát ra ánh sáng màu hồng rực rỡ, được khẳng định là hồn ma bóng quế của những kẻ chết đuối đòi giải oan.

Từ thời Trung cổ, Sobolkho đã nổi danh là cái hố tham lam nuốt chửng người. Theo thống kê 10 năm trở lại đây, khoảng 300 con ngựa và 500 con bò đã “chui” xuống lòng hồ. Riêng mùa lũ năm 1999-2000 thì đã có 25 người mất mạng. Mấy năm qua số người chết đuối ở vùng nước này giảm nhiều, phần lớn là do mọi người luôn tránh xa nó như 1 bệnh dịch, và trẻ con thì tuyệt nhiên bị cấm bén mảng tới gần.

Dù vậy, bí ẩn mấy chục đời của Sobolkho chẳng đủ sức làm nản lòng giới khoa học. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS), rất có thể Sobolkho là một điển hình của hiện tượng vùng địa lý khai thông tự nhiên, được liên kết với cấu trúc đặc biệt của lớp vỏ Trái đất trên khu vực này.

Bí ẩn “Hồ không đáy” càng thu hút sự tò mò của các nhà khoa học RAS. Vậy là cuối tháng 10/2006, họ quyết định tổ chức chuyến thám hiểm tới Sobolkho để tìm ra độ sâu của lòng hồ.

Nhìn thoáng qua, có thể ước lượng mặt hồ có bán kính rộng chừng 30 mét. Làn nước tối đen, lạnh buốt, và xung quanh gần như không hiện diện sự sống cây cỏ. RAS bắt đầu tiến hành thăm dò 1 vài điểm lân cận mép hồ. Kết quả cho độ sâu lớn nhất là 13 mét - một con số quá ấn tượng so với diện tích mặt nước khiêm tốn như thế này. Tuy nhiên ở một số nơi xa hơn, thiết bị đo không làm sao chạm tới mặt đáy. Chính điều này các nhà nghiên cứu cũng không thể giải thích tại sao.

RAS không phải là những người đầu tiên đòi thử sức với lòng hồ. Năm 1995, cũng đã có một nhóm các thợ lặn nghiệp dư tới đây với hy vọng vén bức màn bí mật. Không đếm được hết con số những lần đo, nhưng cuối cùng mọi nỗ lực đều chìm vào vô vọng.

Thậm chí nhiều tay thợ lặn cừ khôi ngày đó còn bỏ mạng oan. Kỳ lạ nhất phải kể đến cái chết của 1 tay lặn dũng cảm trong đoàn, anh này lặn xuống quá sâu và mắc kẹt trong vùng nước xoáy. Bạn bè tìm mọi cách mà không vớt được xác, mấy ngày sau lại đột nhiên phát hiện nó trôi dạt gần bờ sông Vitim nằm cách hồ Sobolkho vài trăm mét.

Nhưng cũng chính từ đây người ta bắt đầu mường tượng ra sự thật về Sobolkho: nhất định có một con đường giấu mặt dưới nước làm nhiệm vụ kết nối lòng hồ tới sông Vitim.

Đã có người ước chừng độ sâu của hồ vào khoảng 250 mét, hoặc cũng có thể hơn. Nhưng dân vùng Buryatia thì luôn mang trong mình một niềm tin vĩnh cửu: hồ Sobolkho không có đáy.

Theo Dân Trí
  • 4,321
  • 29.168