Luôn duy trì ở mức nhiệt 9°C, gần như "không có đáy", chiếc hồ này từng khiến thợ lặn phải bỏ mạng thảm thương.
Bạn có thể ngờ, ẩn bên dưới vẻ đẹp tuyệt vời đến kỳ diệu của mặt hồ êm ả này, vẻ đẹp yêu kiều của mặt hồ trong xanh này....
...lại ẩn chứa những bí mật khoa học chưa thể giải thích.
Không khó để tìm được chiếc hồ nước có màu xanh tuyệt đẹp này tại vùng Bắc Caucasus (giữa biển Đen và biển Caspi), bởi, nếu như vẻ đẹp của bên trên mặt hồ thu hút hàng triệu khách du lịch thế giới, thì sự nguy hiểm khó đoán biết bên dưới hồ lại là bí ẩn hàng đầu cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Bí ẩn nào tạo nên sức thu hút khám phá tận cùng của các nhà khoa học, bất chấp việc nguy hiểm đến tính mạng của họ?
Mời bạn khám phá vẻ đẹp "chết người" của chiếc "hồ không đáy" tại Nga này với cái tên: Hồ Goluboe.
Goluboe nằm trên dãy Caucasus - dãy núi đá vôi lớn thứ ba trên thế giới, thuộc vùng lãnh thổ của Cộng hòa Kabardino-Balkar (miền nam nước Nga).
Được mệnh danh là hồ nước đáng sợ bậc nhất của Nga, Goluboe thực sự khiến nhiều nhà khoa học thấy "run lẩy bẩy" khi đến đây nghiên cứu.
Hồ nước này luôn ẩn chứa những nguy hiểm chết người.
Hàng loạt những điều bí ẩn tại đây đã thu hút họ, bởi, không đâu trên thế giới có một chiếc hồ có màu xanh kỳ lạ như thế kể cả ngày trời không nắng.
Người dân quanh vùng hồ thì tin rằng, đáy hồ được khoáng chất màu xanh lam lazurite bao phủ nên hồ có màu xanh tuyệt đẹp như thế.
Nhưng khi các nhà khoa học vào cuộc, họ phát hiện ra rằng chính khí hydro sulfur (H2S) tạo cho hồ có màu và mùi đặc trưng đến vậy.
Phát hiện nguyên nhân khiến hồ có màu xanh đặc biệt quanh năm này mới chỉ là "giọt nước giữa đại dương to lớn". Vì, bí ẩn thực sự nằm sâu dưới đáy hồ đen tối, ở đó, là cả một thế giới sinh vật vô cùng khác biệt.
Cả một thế giới bí mật đang tồn tại dưới đáy hồ.
Các nhà khoa học nhận thấy, nhiệt độ nước của hồ Goluboe rộng 135 mét này quanh năm chỉ duy trì đúng một mức nhiệt là 9 độ C mà không đóng băng. Trong khi đó, nồng độ đá vôi hòa tan trong hồ cao đến đáng kinh ngạc.
Ở dưới hồ còn có loại tảo phát ra ánh sáng đến kỳ lạ. Phải chăng hồ nước được cho là sâu gần 300 mét này (kết quả đo đạc ban đầu, chưa chính thức của các nhà khoa học) quá tối để sinh vật bên dưới nó phải tự sáng!
Loại tảo phát sáng ở hồ Goluboe.
Sau nhiều cuộc lặn, bất chấp dòng nước lạnh và sự đen tối của hồ Goluboe, các nhà khoa học mới phát hiện được hệ thống hang động dày đặc tại đây.
Vì có hệ thống hang động sâu nhất từng được biết trên Trái Đất này mà công cuộc xác định độ sâu thực sự của hồ gặp quá nhiều khó khăn.
Goluboe có hệ thống hang động sâu nhất từng được biết trên Trái Đất.
Nhiều nhà khoa học đã nghĩ, Goluboe hoàn toàn không có đáy!
Chưa hết, điều khiến các nhà khoa học "đau đầu" nhất là họ không thể tìm thấy nguồn nước ngầm chảy vào hồ nước.
Với mong muốn giải mã bí ẩn tại đáy hồ Goluboe mà nhiều nhà khoa học và thợ lặn chuyên nghiệp đã bất chấp những nguy hiểm về tính mạng để ngâm mình trong làn nước lạnh 9 độ C và đầy mùi H2S (mùi trứng thối).
Thợ lặn đang sử dụng các thiết bị chuyên nghiệp để khám phá Goluboe.
Những khám phá bí ẩn dưới đáy hồ chưa được sáng tỏ thì một thảm kịch đã xảy ra tại chính Goluboe.
Bi kịch xảy đến vào ngày 13/1/2012, khi Andrei Rodionov, một thợ lặn chuyên nghiệp 39 tuổi của Nga, gặp nạn trong quá trình lặn đầu tiên khám phá đáy hồ Goluboe.
Vì điều kiện khắc nghiệt tại hồ Goluboe nên có nhiều tranh cãi xoay quanh cái chết của Andrei Rodionov. Có người cho rằng ông thiếu oxy trong quá trình lặn sâu và không lên mặt nước kịp.
Lại có người cho rằng ông bị đuối nước và dẫn đến cái chết thương tâm.
Rất may, thợ lặn người Anh Martin Robson, lặn cùng Andrei Rodionov, đã được chăm sóc chuyên sâu và hồi phục sau đợt lặn kỷ lục xuống 209 mét.
Nguy hiểm luôn cận kề là thế, nhưng rất nhiều nhà khoa học trên thế giới, vì mong muốn khám phá bí mật thực sự của Goluboe, mà tham gia dự án "Blue Lake Awareness Project" để giải mã đến cùng chiếc "hồ không đáy" tại Nga này.