Sự thật về kỳ quan điện ảnh Avatar 2: Đạo diễn lặn 10km xuống lòng đại dương để tìm cảm hứng

  •  
  • 509

Đạo diễn James Cameron và biên kịch Jon Landau chia sẻ những câu chuyện hậu trường về quá trình thực hiện bom tấn điện ảnh Avatar: The Way of Water.

Một tuần kể từ ngày chính thức phát hành trên toàn thế giới, bom tấn Avatar: The Way of Water đã kiếm được 555 triệu USD từ phòng vé toàn cầu (theo thống kê của Box Office Mojo). Con số này đồng nghĩa bom tấn trị giá 400 triệu USD đã tiến được 25% chặng đường đến con số 2 tỷ USD - mốc hoà vốn và có lãi theo tính toán của James Cameron. Tương lai của The Way of Water tại phòng vé vẫn đang rộng mở với kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023 đã tới gần.

Loạt thành tích khủng của bom tấn Avatar 2: Đạt 100 tỷ chớp nhoáng, có mỹ nhân phá kỷ lục của Tom Cruise

Avatar: The Way of Water vừa là sự tiếp nối Avatar (2009), vừa là bom tấn mở ra một kỷ nguyên mới trên màn ảnh cho thương hiệu này. Không phụ sự kỳ vọng, The Way of Water đã hớp hồn khán giả đại chúng. Ngoài sự yêu thích và ngưỡng mộ, khán giả còn rất quan tâm tới những câu chuyện hậu trường của phim: James Cameron đã mất bao năm để thai nghén ý tưởng của mình? Ông cùng ê-kíp phải đương đầu với những trở ngại gì hay ý nghĩa được đặt vào các nhân vật hay cốt truyện?...

Lặn 10km xuống lòng đại dương để tìm cảm hứng

Theo IndieWire, James Cameron đã dành ra hai năm ở Australia để trợ giúp việc thiết kế một thiết bị lặn đặc biệt có tên Deepsea Challenger. Thiết bị này cho phép nhà làm phim cùng chiếc máy quay 3D lặn xuống độ sâu hơn 10km so với mặt nước biển, khám phá những nơi sâu nhất dưới rãnh Mariana. Theo chia sẻ của James Cameron, chuyến thám hiểm vào lòng đại dương hồi tháng 3/2012 đã giúp ông tích luỹ nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho Avatar: The Way of Water. "Tôi rất tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị", Cameron nói.

Trong thời gian ấp ủ ý tưởng cho loạt hậu truyện của Avatar, James Cameron và Jon Landau cũng tham gia sản xuất một dự án phim kinh phí lớn khác là Alita: Battle Angel (2019) cùng đạo diễn Robert Rodriguez. Dù thất bại ở phòng vé, Alita: Battle Angel vẫn được Cameron và Landau nhắc đến như một bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc làm loạt Avatar sau này.


Đạo diễn James Cameron bên thiết bị lặn có tên Deepsea Challenger do mình góp công sức xây dựng (Ảnh: NatGeo)

Trong giai đoạn tiền kỳ cho Avatar, James Cameron và hãng phim 20th Century Fox (hiện đã đổi tên thành 20th Century Studios sau khi bị Disney mua lại) từng tranh cãi gay gắt về việc nên cắt hay bỏ trường đoạn Jake (Sam Worthington) và Neytiri (Zoe Saldana) lang thang trong rừng đêm trong ánh lân tinh mờ ảo. Hãng phim nằng nặc đòi bỏ nhưng nhà làm phim lại quyết giữ. Kết quả, đây đã trở thành một trong những phân cảnh đáng nhớ nhất tác phẩm.

Sang tới The Way of Water, dù 90% thời lượng phim diễn ra ở vùng duyên hải, James Cameron vẫn dành thời lượng để đưa khán giả quay trở lại những cánh rừng Pandora về đêm, nhưng dưới một ánh sáng mới. "Chúng tôi không tái hiện lại phong cảnh đêm buông huyền ảo trong phần phim mới, bởi lúc này tình hình đang vô cùng căng thẳng, lũ trẻ bị bắt cóc, hai phe đối đầu trong rừng. Chúng tôi để trời mưa, thêm một chút ánh lân tinh - một bản sắc của vùng đất này. Nhưng chúng tôi không muốn mọi thứ quá mỹ lệ. Chúng tôi muốn để dành sự ngỡ ngàng, choáng ngợp cho khán giả khi họ bắt đầu khám phá thế giới mới", Cameron chia sẻ.

Cảnh giải cứu lũ trẻ nhà Sully là cao trào của hồi I Avatar: The Way of Water


Cảnh giải cứu lũ trẻ nhà Sully là cao trào của hồi I Avatar: The Way of Water. (Ảnh: Disney)

Đạo diễn "phân thân" vào các nhân vật

Chia sẻ với IndieWire, James Cameron cho biết ông đã xây dựng một nhóm biên kịch đông đảo để cùng mình lên ý tưởng cho các phần phim hậu truyện của Avatar. Đội ngũ này đã cùng Cameron xây dựng cốt truyện cho ba phần phim dựa trên 1.500 trang ghi chú được tổng hợp trong suốt một năm ròng. Từ cốt truyện này, họ mất thêm bốn năm nữa để cho ra đời kịch bản hoàn chỉnh trước khi phần phim hậu truyện đầu tiên bấm máy năm 2017.

Trong Avatar: The Way of Water, phương pháp dạy con của Jake có phần quân phiệt và cứng nhắc. Hậu quả là anh không ít lần bị đặt vào tình thế muối mặt vì con, tình phụ tử cũng theo đó mà ít nhiều phai nhạt. Trong một cuộc phỏng vấn, Cameron chia sẻ ông đã dùng chính trải nghiệm làm bố của mình, gồm cả những điều ngọt ngào lẫn sai lầm nuối tiếc, để viết về trải nghiệm làm cha của nhân vật này.

Hành trình làm cha của Jake Sully thật chẳng dễ dàng
Hành trình làm cha của Jake Sully thật chẳng dễ dàng. (Ảnh: 20th Century Studios)

Tuy nhiên, Jake không phải nhân vật duy nhất được James Cameron gửi gắm một phần tính cách. "Tôi cũng là Kiri, tôi ở trong cả Lo'ak. Tôi nhớ về những ký ức khi còn là một đứa trẻ mộng mơ, giàu thiên hướng sáng tạo và bị người bố chuyên quyền, với đầu óc của một kỹ sư, hiểu lầm. Tôi không có ý trách cứ bố mình, ông ấy đã nuôi nấng và che chở chúng tôi. Đó là một người cha vĩ đại, nhưng vẫn không thể hiểu hết con mình", nhà làm phim trải lòng. Ông cho biết có một phần của mình trong mọi nhân vật, nhấn mạnh rằng "Mỗi biên kịch đều có những trải nghiệm trong đời phù hợp với các nhân vật họ viết ra".

Sự nghiệp làm phim của James Cameron gắn liền với những nhân vật "nữ cường" trên màn ảnh. Nói cách khác, các thương hiệu phim kinh điển của ông đều xoay quanh những người phụ nữ kiên cường, dù từng có thời điểm motif này đi chệch khỏi thị hiếu đại chúng. Với Avatar: The Way of Water, cách kịch bản xây dựng hai bà mẹ Neytiri và Ronal (Kate Winslet) nhận được sự yêu thích của khán giả. Họ nóng nảy, hiếu chiến nhưng luôn là những bậc từ mẫu của đàn con thơ.

 Neytiri (trên) và Ronal (dưới), hai nhân vật đặc trưng cho lối xây dựng nhân vật nữ cường
Neytiri (trên) và Ronal (dưới), hai nhân vật đặc trưng cho lối xây dựng nhân vật nữ cường của James Cameron. (Ảnh: Disney)

Sự kỳ công của James Cameron

Avatar: The Way of Water đi vào sản xuất từ năm 2017, nhưng phải ròng rã tới năm 2022 mới có thể ra rạp. Sự chờ đợi quá lâu này dẫn đến một tình huống dở khóc dở cười khi nữ diễn viên Edie Falco - thủ vai tướng quân loài người Ardmore - đã ngỡ bộ phim âm thầm ra rạp không kèn trống và thất bại. Chia sẻ của bà với truyền thông khiến người hâm mộ Avatar không khỏi cười ra nước mắt.

Trước khi The Way of Water ra mắt, báo chí thường xuyên đưa tin về các công nghệ quay phim dưới nước tiên tiến được áp dụng trong phim. Nhưng công chúng ấn tượng hơn với việc dàn diễn viên phải dành thời gian học cách nhịn thở để phục vụ việc quay phim dưới nước. Tiếp đến, họ phải diễn xuất các cảnh hành động trong khi đang khoác lên người những thiết bị bắt chuyển động cồng kềnh. Nữ diễn viên Kate Winslet thậm chí còn đe doạ một kỷ lục mà Tom Cruise từng xác lập khi cô nhịn thở dưới nước được 7 phút 15 giây.

James Cameron chỉ đạo diễn xuất trên phim trường Avatar 2
James Cameron chỉ đạo diễn xuất trên phim trường Avatar 2. (Ảnh: Disney)

Nguyên nhân khiến khán giả phải chờ đợi quá lâu để được thấy Avatar: The Way of Water ra rạp một phần đến từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phần nguyên nhân lớn hơn vẫn đến từ sự tỉ mỉ, cầu toàn của đạo diễn James Cameron. Trong kỷ nguyên của CGI và màn hình xanh, nhà làm phim cùng các cộng sự và dàn diễn viên vẫn quyết lao tâm khổ tứ để tạo ra những thước phim chân thực nhất phục vụ khán giả dù đại đa số cảnh phim được làm bằng công nghệ máy tính.

"Có rất ít cảnh quay thật 100% trên phim. Vậy nên mỗi khi chúng tôi quay các cảnh có nhân vật con người - ví dụ như Spider của Jack Champion hay đoàn săn Tulkun - đó chắc chắn phải là các cảnh quay thật; tất nhiên chúng tôi cũng dùng rất nhiều kỹ thuật phổ biến như màn hình xanh để mở rộng bối cảnh và kết hợp người thật với các nhân vật kỹ thuật số. Chúng tôi cố gắng để 80% số cảnh dựng từ máy tính còn lại trông cũng chân thực như các cảnh quay người thật tại hiện trường", James Cameron chia sẻ.

Spider và Kiri là hai nhân vật với số phận đặc biệt
Spider và Kiri là hai nhân vật với số phận đặc biệt, nhiều phần gợi nhắc tuổi thơ của chính đạo diễn. (Ảnh: Disney)

Nói về thế giới dưới nước trong phim, thử thách đặt ra cho vị đạo diễn và ê-kíp làm phim là tạo dựng một không gian chân thật, sống động, mang lại cảm giác như người xem đang thật sự chìm dưới lòng đại dương. "Không có bất kỳ công cụ hay máy móc tự động nào làm ra được trải nghiệm ấy cả. Đó là một công việc đòi hỏi sự nhạy cảm của một người làm nghệ thuật, mỗi hoạ sĩ dù đã nắm trong tay công cụ tân tiến vẫn phải hiểu được dòng chảy của nước, sự tĩnh tại và thiền định của nó. Quá trình này tiêu tốn của chúng tôi nhiều năm trời và 10 triệu USD để xây mọi thứ từ con số không. Nhưng sự đầu tư ấy rất xứng đáng".

Khán giả xem Avatar: The Way of Water bày tỏ sự bất ngờ khi biết nhân vật Kiri 14 tuổi trên phim do nữ diễn viên Sigourney Weaver thủ vai khi sắp bước qua tuổi 70 (tại thời điểm phim ghi hình). Đây là điều chỉ có thể xảy ra với sự trợ giúp của công nghệ ghi hình chuyển động. Công nghệ ghi hình chuyển động cũng có đóng góp rất to lớn trong việc đưa những người Na'vi sống động bước lên màn ảnh.

Nói về quyết định này, James Cameron chia sẻ: "Với công nghệ này, ta có thể nghĩ đến khả năng một diễn viên có thể vào vai nhân vật ở bất cứ độ tuổi nào, bất kỳ giới tính hay chủng tộc nào, đúng không? Sigourney 69 tuổi đã có thể vào vai một nhân vật chỉ bằng 1/5 tuổi thật của mình". Theo ông, điều này có thể hỗ trợ đắc lực cho các nữ diễn viên khi đã ở vào một độ tuổi nhất định.

Cập nhật: 23/12/2022 Trí Thức Trẻ
  • 509