Theo Viện Địa chất (Viện KH&CN VN), hiện tượng sụt đất ở Quảng Trị là một loại hình tai biến địa chất bình thường, thường xảy ra ở những vùng đá vôi. Tuy nhiên, Viện Địa chất cũng cho biết, không có kinh phí để vào tận nơi nhằm khảo sát, tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân của vụ sụt đất nói trên.
|
TS Trần Trọng Huệ và các chuyên viên thuộc Viện Địa chất đang xem bản đồ để xác định niên đại của vùng đá vôi tại Cam Lộ, Quảng Trị (Ảnh: VNN) |
Trao đổi với phóng viên sáng 20/2, TS Trần Trọng Huệ, Viện trưởng Viện Địa chất, cho biết do chưa vào Tân Huyền, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ khảo sát nên các chuyên gia của Viện chưa khẳng định được nguyên nhân cũng như định vị chính xác tai biến địa chất này.
Tuy nhiên, tai biến sụt đất thường xảy ra ở những vùng đá vôi mà Cam Lộ lại nằm trên vùng đá vôi hình thành cách đây chừng 260- 380 triệu năm.
Một nguyên nhân có thể là đứt gãy sông Cam Lộ hoạt động đã gây rập vỡ đất đá mạnh ở lớp đá vôi dưới lòng đất, tạo điều kiện cho quá trình hình thành các hổng hốc và hang động. Khi có những biến động địa chất, những hang động này sập xuống, phát ra tiếng nổ và kéo theo đất ở phía trên.
Rập vỡ đất đá mạnh nói trên cũng có thể tạo ra các khe nứt trong lớp đá vôi. Những dòng sông ngầm có thể hình thành từ những khe nứt này. Do tác động của tự nhiên hoặc con người mà mực nước ngầm này có thể tụt xuống, gây sụt đất đá ở bên trên.
Theo tài liệu của Viện Địa chất, hiện tượng sụp đất tương tự cũng đã xảy ra vào đầu năm 2005 ở Ỷ La và Hàm Yên (Tuyên Quang). Nơi xảy ra tai biến nằm dọc đứt gãy sông Lô và cũng có đá vôi ở bên dưới. Trước đó, sụt đất đã xảy ra ở Thanh Ba (Phú Thọ) do hoạt động khai thác nước ngầm. Nơi này cũng nằm trên vùng đá vôi.
TS Huệ cho biết thêm khi xây dựng những công trình lớn, quá trình khảo sát dễ dàng phát hiện được nguy cơ sụt lún, từ đó có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hiện VN vẫn chưa có điều kiện để khảo sát nguy cơ sụp lún cho từng khu dân cư nhỏ.
Được biết, do kinh phí hoạt động của Viện Địa chất đã được khoán nên hiện Viện không có kinh phí để cử đoàn công tác vào nghiên cứu tai biến địa chất nói trên.
Viện cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Khoa học-Công nghệ cấp một khoản kinh phí gọi là quỹ thường xuyên.
Đại diện Viện Địa chất cho biết thêm, nếu có được khoản kinh phí này, trường hợp có tai biến địa chất xảy ra, Viện mới có thể đưa máy móc tới nghiên cứu ngay. Trên cơ sở đó, đưa ra các cảnh báo tiếp theo và giải thích cụ thể để người dân hiểu rõ tình hình cũng như phòng tránh.
Minh Sơn