Cùng với sự phổ biến của băng thông rộng và việc người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua phần mềm trực tuyến, thay vì mua đĩa cài ứng dụng như trước đây, các chương trình máy tính đều có thể được bán dưới dạng dịch vụ.
Nhận định này được David Sykes, phó chủ tịch khu vực Thái Bình Dương của Symantec đưa ra tối qua, trong một thảo luận bàn tròn tại Sydney. Theo ông Sykes thì thực tế này đã diễn ra tại một số nước như Hàn Quốc, nơi mạng lưới băng thông rộng phát triển nhất thế giới. Symantec đã ủy quyền cho các ISP nước này bán ứng dụng diệt virus mang thương hiệu của hãng.
Cụ thể hơn, các ISP mua giấy phép sản phẩm rồi cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng : Họ đảm trách phần việc quét virus, nhận dạng nguy cơ v..v... mà bình thường Norton System Works vẫn làm. Tất cả các dịch vụ này đều được phân phối qua đường cáp mạng.
Thậm chí theo Sykes, cũng không thể loại trừ khả năng nhiều tổ chức (như ngân hàng trực tuyến chẳng hạn) sẽ thay Symantec bán các chức năng quét virus và spyware, nhằm giúp khách hàng an tâm là họ không bị "dính đòn" trước khi đăng nhập vào tài khoản. Khách hàng truy cập vào website một ngân hàng Internet và site này có ứng dụng đầu cuối, cho phép scan máy tính người dùng.
Giả sử như máy bạn có sâu Sobig (hay bất cứ sâu nào khác), một cửa sổ sẽ nhảy ra với nội dung : "bạn muốn sửa lỗi này hay mua giải pháp bảo mật?". Để thanh toán, người tiêu dùng có thể dùng thẻ tín dụng hoặc chèn nó vào hóa đơn cước phí di động. Về phần mình, các ngân hàng có thể quyết định chặn truy cập của những khách hàng có máy tính nhiễm virus quá nguy hiểm.
Trong quá khứ, các quan chức của Symantec từng thừa nhận rằng khách hàng kêu ca rất nhiều vì các ứng dụng như Norton Antivirus và Norton Internet Security ngốn quá nhiều diện tích cũng như hiệu suất của máy. Symantec đã hứa hẹn sẽ đáp lại phản hồi của khách hàng bằng những gói sản phẩm nhỏ hơn và nhanh hơn.
Bằng việc chia nhỏ các gói ứng dụng và cung cấp nó dưới dạng dịch vụ trực tuyến như thế này, Sykes hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết.
Thiên Ý