Tác động của thay đổi tập tính đối với các loài di trú

  •  
  • 4.176

Những đàn linh dương đầu bò như thác đổ đông đúc trên cánh đồng Serengeti, bò rừng bison chen chúc nhau dọc theo đồng bằng phía bắc – những hình ảnh mang tính chất hình tượng này đã xen vào kinh đô điện ảnh Hollywood đến cả tưởng tượng thông thường. Nhưng có một thực tế rằng những đợt di trú quy mô lớn như vậy đã giảm đi rất nhiều. Người ta hoài nghi rằng khoảng 1/4 số loài di trú không còn di trú nữa, tất cả là vì những thay đổi địa hình do con người tạo ra. Một nghiên cứu mới được công bố gần đây nhấn mạnh sự thay đổi mang tính chất toàn cầu này và phân tích sự sụt giảm của hoạt động di trú quy mô lớn.

Grant Harris thuộc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, tác giả chính của bài báo trên tạp chí Endangered Species Research, cho biết: “Khoa học bảo tồn có hiểu biết rất nghèo nàn về hoạt động của sự di trú, và do đó rất nhiều hoạt động di trú đã hoàn toàn biến mất. Những hàng rào chắn đường di trú làm giảm cơ hội tìm kiếm thức ăn và nước uống của động vật di trú. Do đó hoạt động di trú dừng lại, hoặc ngắn lại, và số lượng các loài động vật giảm xuống”.

Sự di trú của những loài động vật ăn cỏ lớn (cũng được gọi là động vật có móng guốc) xuất hiện khi những loài vật này di chuyển đến những khu vực có thức ăn phong phú hơn hoặc chất lượng tốt hơn. Về mặt sinh thái có hai tác động chính đối với sự sẵn có của thức ăn. Ở những khu vực có nhiệt độ ôn hòa, thức ăn chất lượng tốt hơn dịch chuyển theo mùa, và các loài vật phản ứng bằng cách di chuyển theo những lộ trình đã được thiết lập sẵn. Với những hệ sinh thái thảo nguyên, mưa cho phép sự phát triển của những thức ăn chất lượng cao hơn. Đây là thay đổi khó dự đoán hơn do đó các loài vật phải tìm kiếm trên những vùng địa hình rộng lớn.

Hoạt động của con người hiện ngăn cản những nhóm động vật móng guốc lớn theo đuổi thức ăn của chúng. Xây dựng hàng rào, nông nghiệp, ngăn cản dòng nước đã thay đổi địa hình, và việc lạm dụng khai thác động vật làm suy giảm số lượng các loài di trú.

Hình ảnh linh dương gạc nhiều nhánh (Antilocapra americana) đang chạy trên tuyết. (Ảnh: J. Berger/WCS)

Để đánh giá tác động của các hoạt động của con người đối với hoạt động di trú trên toàn thế giới, Harris và các đồng tác giả đã tập hợp thông tin về 24 loài động vật có móng guốc lớn (trên 20 kg) di trú với quy mô lớn. Các loài vật trong nghiên cứu phân bố trên các khu vực như lãnh nguyên Bắc Cực (tuần lộc caribou), thảo nguyên và cao nguyên Âu Á (linh dương Saiga), đồng bằng Bắc Mỹ (bò rừng bison và nai sừng tấm), và thảo nguyên châu Phi (ngựa vằn và linh dương đầu bò). Số loài di trú quy mô lớn tại châu Mỹ là ít nhất, và đây là nơi mà hầu hết các dữ liệu tồn tại. Đánh giá tác động của con người đối với các loài di trú tại châu Phi và Âu Á gặp rất nhiều khó khăn vì sự thiếu hụt các dữ liệu khoa học: tại châu Phi – nơi hầu hết các đợt di trú trên quy mô lớn còn tồn tại – 3 loài vật không hề có xuất bản khoa học nào về tình trạng của chúng, và tại Âu Á một nửa trong số 6 loài vật di trú còn sót lại rất ít dữ liệu ghi chép.

Tất cả 24 loài trong nghiên cứu đã mất đường di trú và số lượng cá thể trong loài giảm. Tại Bắc Mỹ, bò rừng bison vẫn được coi là loài vật di trú, nhưng phạm vi của chúng hiện bị giới hạn từ Đồng bằng lớn Great Plains đến hai vị trí nhỏ tại Yellowstone và Alberta. Những thay đổi tương tự được tìm thấy ở các lục địa khác khi hoạt động của con người giới hạn khả năng di chuyển của các loài đến nguồn thức ăn mới. Phân tích phát hiện giới hạn còn nghiêm trọng hơn với 6 loài. Linh dương Nam Phi(Antidorcas marsupialis), linh dương đầu bò đen (Connochaetes gnou), một loài linh dương Nam Phi khác (Damaliscus dorcas), và lừa vằn (Equus quagga) thuộc Nam Phi; loài kulan (Equus hemionus) thuộc Trung Á; và linh dương châu Phi sừng mã tấu (Oryx dammah) thuộc Bắc Phi hoặc không còn di trú hoặc không thể đánh giá là loài vật di trú.

Đồng tác giả Joel Berger thuộc Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã, và Đại học Montana, cho biết: “Nếu chúng ta muốn bảo tồn hoạt động di trú cũng như các loài vật này, chúng ta cần nhận biết những hành động cần thiết: nơi sự di trú còn tồn tại, các loài vật di truyển bao xa, những nhu cầu về môi trường sống, vị trí của chúng, các mối đe dọa. Đối với một số loài, ví dụ như linh dương đầu bò và linh dương châu Phi tại Botswana, các mối đe dọa đã được nhận biết từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều trong nỗ lực tìm cách bảo vệ hoạt động di trú của chúng”.

Harris cho biết: “Một phần quan trọng đó là vấn đề về sự nhận thức. Con người không nhận thấy những gì chúng ta có và những gì chúng ta đang mất”.

Ngoài Harris và Berger, các tác giả của nghiên cứu bao gồm Simon Thirgood và J. Grant thuộc Hiệp hội động vật học Frankfurt tại Tanzania, và Joris Cromsigt thuộc Học viện nghiên cứu động vật có vú tại Học viện khoa học Ba Lan. Nghiên cứu Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur, Hiệp hội động vật học Frankfurt, Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã, và dự án chuyển giao kiến thức Marie Curie BIORESC tài trợ.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 4.176