Tác giả người Na Uy Jon Fosse thắng giải Nobel Văn học 2023

  •  
  • 82

Tác giả Na Uy Jon Fosse, 64 tuổi, thắng Nobel Văn học 2023 nhờ "những vở kịch và văn xuôi tân tiến, lên tiếng cho những điều không thể nói".

Tại buổi lễ diễn ra lúc 13h ngày 6/10 (giờ Stockholm, tức 18h - giờ Hà Nội), Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, vinh danh Jon Fosse. Tác giả sẽ nhận phần thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng 991.000 USD).

Ủy ban nói về Fosse: "Tác phẩm đồ sộ của ông, viết bằng tiếng Na Uy và trải dài trên nhiều thể loại, bao gồm vô số vở kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch. Ngày nay, ông là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới, ông cũng ngày càng được công nhận trong lĩnh vực văn xuôi".

Đại diện nhà xuất bản Jacques Testard - nơi in tiểu thuyết của Fosse - nói khi biết tin: "Ông là một nhà văn xuất sắc, người đã tìm ra cách viết tiểu thuyết vô cùng độc đáo. Như biên tập viên người Na Uy Cecilie Seiness của ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nếu bạn mở bất kỳ cuốn sách nào của Jon và đọc một vài dòng, sẽ thấy nó không thể được viết bởi bất kỳ ai khác". Jacques Testard nhận xét tiểu thuyết của Fosse mang tính thần kỳ, huyền bí, khởi nguồn từ khung cảnh của các vịnh hẹp phía Tây nơi ông lớn lên.

Nhà văn Jon Fosses.
Nhà văn Jon Fosses. (Ảnh: Boris Roessler).

Jon Fosse sinh ở Haugesund, Na Uy năm 1959. Tiểu thuyết đầu tay của ông Raudt, svart (Đỏ, đen) được xuất bản năm 1983. Năm 1989, ông được đánh giá cao với tiểu thuyết Naustet (Nhà thuyền). Sau đó, ông tiếp tục viết vở kịch đầu tiên năm 1992 - Nokon kjem til å kome (Ai đó sẽ đến). Năm 1994, vở Og aldri skal vi skiljast được trình diễn ở Nhà hát Quốc gia ở Bergen.

Trên Twitter của Ủy ban Nobel, ban tổ chức giới thiệu Jon Fosse viết tiểu thuyết theo phong cách "chủ nghĩa tối giản Fosse". Điều này có thể thấy rõ trong cuốn Stengd gitar (1985), tác giả đã khai thác góc khuất từ những tình huống hàng ngày trong cuộc sống, khi con người đứng trước sự lưỡng lự. Fosse được nhận định "kết hợp gốc rễ ngôn ngữ và nền tảng Na Uy tự nhiên trong ông".

Ông sáng tác bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới). Đây là một trong hai ngôn ngữ tiêu chuẩn trong tiếng Na Uy, được sử dụng bởi khoảng 27% dân số. Ngôn ngữ này do Ivar Aasen sáng tạo vào giữa thế kỷ 19, nhằm giúp có thêm lựa chọn khi tiếng Đan Mạch đang phổ biến ở Na Uy thời đó.

Dù còn xa lạ với độc giả châu Á, Jon Fosse khá nổi tiếng ở châu Âu. Ông là nhà soạn kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất châu Âu, được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau. Khách sạn ở Oslo ở Na Uy có một dãy phòng được đặt theo tên ông. Theo The Guardian, từ năm 2013, nhiều fan của nhà văn đã kỳ vọng ông đoạt Nobel. Tuy nhiên, giải thưởng năm đó được trao cho Alice Munro. Ngoài viết kịch và tiểu thuyết, Fosse còn là dịch giả.

Trước khi kết quả được công bố, ông xếp thứ hai trong danh sách đặt cược của nhà cái NicerOdds, với tỷ lệ 5/1 (một ăn 5). Nhiều nhà cái dự đoán tác giả Trung Quốc - Tàn Tuyết - thắng giải. Giới phê bình nhận xét văn chương Tàn Tuyết phản ánh ý thức nữ quyền mạnh mẽ.

Annie Ernaux - nhà văn Pháp thắng Nobel năm ngoái - từng xếp đầu trong danh sách dự đoán một năm trước đó. Bà được Viện Hàn lâm vinh danh: "Với lòng dũng cảm và một trí tuệ sắc lạnh, bà đã bóc trần cội rễ, sự ghẻ lạnh và hạn chế của tập thể qua hồi ức cá nhân".

Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ lựa chọn người thắng cuộc. Họ không bao giờ hé lộ dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải cho tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901. Viện Hàn lâm Thụy Điển được vua Gustav III thành lập vào năm 1786, chịu trách nhiệm ra quyết định về giải Nobel Văn học, thực hiện theo di chúc nhà tài trợ là ông Alfred Nobel.

Cập nhật: 10/10/2023 VnExpress
  • 82