Username và mật khẩu của hơn 100 tài khoản email tại các đại sứ quán và chính phủ các nước đã bị tung hê lên mạng. Sử dụng những thông tin này, bất cứ ai cũng có thể truy cập và sục sạo nội dung bên trong các tài khoản bị lộ.
Văn phòng Máy tính Thụy Điển (CS) đã xác nhận thông tin nói trên, đồng thời cũng đã trò chuyện với tác giả bản "danh sách tài khoản".
Dan Egerstad, một chuyên gia bảo mật tự do của Thụy Điển tỏ ra khá cởi mở khi được CS liên hệ.
"Tôi tiến hành một cuộc thí nghiệm và tình cờ túm được những thông tin này", Egerstad nói. Tuy nhiên Egerstad khẳng định anh chưa bao giờ sử dụng chúng để đăng nhập vào bất cứ tài khoản nào.
Các thông tin bị lộ bao gồm tên đại sứ quán và cơ quan chính phủ, địa chỉ cho đến máy chủ email, username và mật khẩu.
Trong số các tổ chức bị "góp tên" trong danh sách có Bộ ngoại giao Iran, Đại sứ quán Ấn Độ ở Mỹ và đại sứ quán Nga tại Thụy Điển.
Thúc giục hành động
|
Nguồn: Infoworld |
"Khoảng 10 tài khoản thuộc về đại sứ quán Kazakh tại Nga. 40 tài khoản thuộc đại sứ quán Uzbekistan trên khắp thế giới. Thông tin đăng nhập của văn phòng cấp visa Anh tại Nepal cũng đến tay tôi....".
Bản thân CS cũng xác nhận rằng thông tin đăng nhập này có độ chính xác khá cao. Egerstad đã forward cho họ một bức email gửi đi ngày 20-8, bởi một nhân viên của Tòa án Hoàng gia Thụy Điển tới cho đại sứ quán Nga. Nhân viên này sau đó đã chứng thực nội dung bức thư khi được CS liên hệ.
"Khi những chuyện thế này xảy ra, bạn thường tìm cách liên hệ với đầu mối vấn đề, bảo họ sửa lỗi. Nhưng trong trường hợp này, tính chất vụ việc quá nghiêm trọng. Tôi không thể gọi cho tất cả các nước được", Egerstad nói.
"Tôi hy vọng việc công khai hết lên mạng thế này sẽ buộc các nước phải hành động nhanh hơn bình thường".
CS đã liên hệ với đại sứ quán Nga và Ấn Độ tại Stockholm. Đại sứ quán Nga xác nhận vụ rò rỉ thông tin là có thật và cho biết họ đã tiến hành đổi username cùng tài khoản. Trong khi ấy, đại sứ quán Ấn Độ từ chối bình luận về vụ việc.
Trọng Cầm