Vì sao nhiều người thức giấc lúc 3 giờ sáng?

  •  
  • 716

Nhiều người thường tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, nếu tâm lý không tốt có thể khó ngủ lại và nguyên nhân là do chu kỳ giấc ngủ gây ra hiện tượng này.

Trong suốt một đêm, con người đều trải qua một vài chu kỳ giấc ngủ. Mỗi chu kỳ bắt đầu bằng giấc ngủ nhẹ, sau đó chuyển sang giấc ngủ sâu hơn khi chúng ta bước vào giấc ngủ sóng chậm. Tiếp theo giai đoạn hoạt động mạnh hơn được gọi là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), sau đó rất có thể sẽ thức dậy trước khi ngủ lại.

 Nhiều người thường thức giấc lúc 3h sáng và khó ngủ lại.
Nhiều người thường thức giấc lúc 3h sáng và khó ngủ lại. (Ảnh: Marcos Mesa Sam Wordley/Shutterstock).

Toàn bộ quá trình này mất khoảng 4 tiếng, có nghĩa là nếu bạn thường đi ngủ vào khoảng 11 giờ tối, bạn sẽ thấy mình tỉnh táo trở lại vào khoảng 3 giờ sáng. Để không bị gián đoạn giấc ngủ và hoàn toàn tỉnh táo trở lại, cách tốt nhất là không để mình rơi vào vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực.

Các nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng ít lý trí hơn trong những suy nghĩ về đêm so với ban ngày, đó là lý do tại sao các vấn đề luôn có vẻ khó khăn hơn nhiều vào lúc 3 giờ sáng.

Giáo sư Greg Murray, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, trong bài viết năm 2021 trên The Conversation, cho rằng thức giấc lúc 3h sáng không phải là một thói quen tốt nên duy trì.

Theo các chuyên gia về giấc ngủ, nguyên nhân là do những suy nghĩ miên man vào sáng sớm có liên quan đến căng thẳng, mặc dù không hoàn toàn trực tiếp. Ông Murray giải thích, căng thẳng không khiến chúng ta thức giấc nhiều hơn vào ban đêm, nhưng nó khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về việc đó.

Theo Colin Espie, giáo sư y học giấc ngủ tại Khoa Khoa học Thần kinh Lâm sàng Nuffield tại Đại học Oxford, khi mọi người thức dậy vào ban đêm, điều hiện lên trong đầu họ thường là điều gì đó đã xảy ra vào ngày hôm trước hoặc điều gì đó sẽ xảy ra vào ngày hôm sau. Do đó "việc lập danh sách việc cần làm có thể khiến não bộ chủ động xử lý mọi việc mà không đánh thức bạn dậy", ông nói.

Theo Nature Neuroscience, những giấc ngủ quá ngắn và không sâu khiến một loại protein gây mất trí nhớ (beta amyloid protein) tích tụ trong não. Dần dần beta-amyloid protein với hàm lượng cao sẽ gây rối loạn giấc ngủ. Như vậy mất ngủ không chỉ ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn vào ngày hôm sau mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy giấc ngủ sâu sẽ lọc sạch beta amyloid trong não bộ. Thiếu ngủ sẽ ngăn chặn quá trình thanh lọc chất này khiến trí nhớ ngày càng tệ đi. Vì vậy các nhà nghiên cứu khuyến cáo cần lên kế hoạch công việc, chế độ dinh dưỡng, tập thể dục... để giấc ngủ không bị gián đoạn.

Cập nhật: 12/11/2024 VnExpress
  • 716