Tại sao chim di cư châu Á lại dừng chân ở châu Âu

  •  
  • 2.136

Chim di cư thường nhầm lẫn về hướng chứ không phải khoảng cách. Phát hiện của nhóm nhà điểu cầm học và nhà sinh thái học thuộc đại học Marburg – hiệp hội điểu cầm học tại Bavaria và Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz được đăng tải trên tờ Journal of Ornithology.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng nghìn bản báo cáo về các loài chim châu Á từ họ chim chích đến họ chim hét từng đi lạc đến châu Âu. Họ phát hiện ra khoảng cách từ khu vực sinh sản tại bắc Siberia và khu vực nghỉ đông tại Nam Á gần bằng khoảng cách từ khu vực sinh sản ở châu Âu. Khoảng cách càng tương đương nhau thì số lượng của một loài đặc biệt càng nhiều, kéo theo là khả năng những con chim đi lạc đến châu Âu cũng càng cao.

Kích cỡ cơ thể của những con chim không phải là nguyên nhân. Từ lâu, người ta đã nghi ngờ “những kẻ đi lạc” đã bị thời tiết thổi chệch đường. Tuy nhiên, phát hiện mới đã chứng minh cho giả thuyết rằng những con chim đi lạc đã nhầm khu vực nghỉ đông là do chương trình di cư của chúng bị lỗi. Do vẫn còn rất nhiều nghi vấn chưa có lời giải đáp liên quan đến sự phát tán bệnh cúm gia cầm H5N1, nên các nhà khoa học rất hứng thú với việc nghiên cứu chim di cư. Tuy nhiên, họ tin rằng virus không lây lan qua chim di cư mà lây lan qua việc buôn bán quốc tế các sản phẩm gia cầm. Dù thế nào thì nguy cơ ở những con chim lang thang là thấp nhất.

Phát hiện mới giải thích tại sao những con chim đi lạc tại trung Âu lại là những con chim di cư quãng đường xa từ khu vực phía đông châu Á. Chuyến đi được lập trình trong gen của những con chim di cư đường ngắn từ châu Á sẽ chỉ kết thúc tại đâu đó tại khu vực đông bắc châu Á mà thôi. (Ảnh: Deutsches Zentrum fur Luft- und Raumfahrt (DLR) / modified from Susan Walter/UFZ)

Trong quá trình nghiên cứu những con chim này tại châu Âu, các nhà khoa học đã đo khối lượng cơ thể chúng, độ dài cánh, diện tích khu vực sinh sản, khoảng cách từ khu vực sinh sản đến khu vực nghỉ đông cũng như khoảng cách từ khu vực sinh sản đến vùng trung Âu của 30 loài chim di cư. Nguồn tư liệu của họ là những thông tin trong cuốn sách Handbuch der Vogel Mitteleuropas (sổ tay về các loài chim ở Trung Âu) được tiến hành ghi chép từ đầu những năm 1990.

8 loài thuộc họ chim chích và 6 loài thuộc họ chim hét khiến các nhà khoa học phải chú ý. Một loài được quan sát đặc biệt là loài chim chích trán vàng (Phylloscopus inornatus) do các nhà điểu cầm học tự nguyện tại trung Âu quan sát thấy hàng ngàn lần từ năm 1836 đến năm 1991. Loài chim này sinh sản tại rừng taiga Siberia phía nam vành đai Bắc Cực và trải qua mùa đông tại khu vực cận nhiệt và nhiệt đới thuộc đông nam châu Á. Các loài chim chích châu Á khác được quan sát thấy ít thường xuyên hơn ở trung Âu.

Ngược lại, 5 loài chim hét xuất hiện gần 100 lần. Nếu những con chim đi lạc được thời tiết dẫn đường, thì những con chim nhỏ hơn hẳn sẽ bị cuốn đến nhiều lần hơn những con chim lớn. Song, các nhà nghiên cứu không phát hiện được mối liên hệ nào giữa tần số xuất hiện của những con chim đi lạc với kích cỡ cơ thể nó ngay cả khi áp dụng biện pháp phân tích thống kê. Bên cạnh đó, chim chích trán vàng xuất hiện tại trung Âu thường xuyên đến nỗi không thể dựa vào điều kiện thời tiết bất thường trong quá trình di cư để giải thích.

Những loài có xu hướng tập trung ở châu Âu nhiều nhất là những loài phổ biến ở châu Á và cũng có họ hàng phổ biến ở châu Âu (loài chim chích chiffchaff) và trung Âu (loài chim chích liễu châu Âu). Tiến sĩ Jutta Stadler thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz tại Halle/Saale giải thích: Loài có số lượng cá thể càng nhiều, khả năng cá thể trong đàn “bị lỗi chương trình” và đi lạc càng lớn. Chúng cùng bay một khoảng cách như nhau nhưng lại theo hướng ngược lại và vì thế chúng đã đến châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng ta có một số lượng khá lớn chim châu Á đi lạc tại đây”.

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do lỗi trong chương trình di cư di truyền. Việc định hướng bay cũng như thời gian bay được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều đó có nghĩa là thói quen di cư là kết quả của chương trình di truyền, qua đó những con chim đã điều chỉnh để thích nghi với điều kiện khí hậu.

Tuy nhiên, chim di cư có thể thích nghi với những thay đổi của điều kiện môi trường chỉ qua vài thế hệ. Gen của chúng chịu trách nhiệm cho việc không ngừng nghỉ trên quãng đường khiến đa số vượt qua cả hàng ngàn cây số để đến khu vực nghỉ đông. Nhưng từ lâu con người đã băn khoăn tại sao những con chim riêng lẻ của một loài nhất định lại cứ đi lạc đường liên tục.


Chim chích trán vàng - Phylloscopus inornatus (Ảnh: hi.is)

Robert Pfeifer – tổng thư kí của Hiệp hội điểu cầm học tại Bavaria – cho biết: “Trong những trường hợp này, chương trình gen mắc lỗi đơn giản đã khiến những con chim rẽ phải thay vì rẽ trái. Chúng ta có thể so sánh những con chim đi lạc này với những người lái xe trái đường. Chúng đã bay ngược lại con đường di cư liên lục địa”.

"Có thể thừa nhận rằng đối với đa phần chim di cư thì đó là một chuyến đi một chiều. Mặc dù cũng có những dấu hiệu cho thấy một số cá thể cũng “muốn” có một kì nghỉ đông tại khu vực phía nam châu Âu, và không con nào trong số chúng quay trở về châu Á. Những con chim đã có bạn tình không hề quay trở lại nên chúng ta cũng không thể biết được điều gì đã xảy ra với chúng”. Những phát hiện mới giải thích tại sao những con chim đi lạc tại trung Âu lại là những con chim di cư quãng đường xa từ khu vực phía đông châu Á. Chuyến đi được lập trình trong gen của những con chim di cư đường ngắn từ châu Á sẽ chỉ kết thúc tại đâu đó tại khu vực đông bắc châu Á mà thôi.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 2.136