Tại sao đôi lúc bạn cứ nghe "văng vẳng" bên tai một bài hát?

Lý giải hiện tượng những bản nhạc ám ảnh tâm trí người nghe
  •  
  • 4.356

Âm nhạc là một phần không thể thiếu để giúp chúng ta giải toả tâm trạng. Song mỗi người có một "khẩu vị âm học" riêng và không phải bài hát nào cũng hợp tai mọi người. Có những bài hát khiến bạn khó chịu nhưng điều tệ hơn là, trong não của bạn cứ văng vẳng về nó.

Với cư dân mạng Việt Nam, có lẽ không lạ khi có những giai đoạn nhà nhà mở những bài hát như "Vợ người ta", "Con bướm xuân", "Duyên phận"... Nhiều đến mức bạn chỉ cần nghe một vài nốt nhạc là có thể nhớ ngay ra bài hát đấy. Thậm chí, ngay cả khi không có nốt nhạc nào, trong não bạn lại lẩm bẩm "phận là con gái... chưa một lần yêu ai...". Những bài hát "dính vô não" như vậy, có một danh từ riêng để mô tả chúng là "sâu tai" (earworm). Trong một số trường hợp, các "sâu tai" khá thoả mãn chúng ta. Nhưng ở tình huống khác, đây lại là một trải nghiệm khó chịu.

Và các nhà khoa học cũng gặp phải tình huống này. Một số bỏ thời gian ra thực hiện các nghiên cứu độc lập và mỗi người mang lại một số câu trả lời. Song nhìn chung các nghiên cứu đều chia sẻ chung một số kết luận về "sâu tai".

  • Chúng thường là các bản nhạc được nghe nhiều (top 10 bài hát).
  • Chúng thường có các nốt hoặc các khoảng cách thời gian lặp đi lặp lại.
  • Chúng cũng có các nhịp điệu và kiểu mẫu âm vực đặc thù riêng của từng bài.

Kelly Jakubowski, nhà nghiên cứu thuộc Phòng Âm Nhạc của ĐH Durham (Anh), nhận định: "Kết luận chung về các bài hát là chúng thường khá đơn giản để có thể được lặp lại bất kỳ lúc nào, nhưng cũng cần phải có một tí gì đó riêng biệt khiến cho não bộ muốn "nghe" lại chúng hết lần này tới lần kia".

Giáo sư Emery Schubert tại Trường Nghệ thuật và Truyền thông thuộc Đại học New South Wales - tác giả của bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Âm nhạc & Khoa học - cho biết hiện tượng "earworm" được ghi nhận nhiều nhất ở phần điệp khúc của các bài hát. Tuy nhiên, sự “lặp đi lặp lại” chỉ là một yếu tố dẫn đến "earworm". Một số yếu tố có tính điều kiện ban đầu là hiện tượng xảy ra ở người vừa được nghe hoặc vừa được biết đến bản nhạc đó. Theo kết quả nghiên cứu, hiện tượng "earworm" kích hoạt ở người đang trong trạng thái thư giãn hoặc không tập trung.

Tác giả nghiên cứu cho rằng hiện tượng "earworm" thường được cho là dễ chịu, song nó cũng có thể trở thành “nỗi ám ảnh” nếu đó là bản nhạc "rất tệ".

Các triệu chứng chung

Các nhà khoa học thi thoảng mô tả "sâu tai" như là "sự tạo ảnh âm nhạc không chủ tâm" (INMI). Một nghiên cứu hồi 2012 đăng trên tạp chí Tâm lý học Âm nhạc nhận thấy 90% người dùng Internet Phần Lan báo cáo họ bị một bài hát "kẹt lại" trong đầu ít nhất một tuần lễ. Những ai càng mê nhạc thì hiện tượng "sâu tai" mà họ trải nghiệm càng nhiều. Đồng thuận với nghiên cứu này, một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Nhận thức hồi 2006 đã mô tả chi tiết trải nghiệm của một nghệ sỹ piano và một người soạn nhạc, những người gần như trải nghiệm liên tục INMI. Tình trạng "sâu tai" 24/7 này có tên gọi khác là "ký ức âm nhạc vĩnh viễn" (PMT).

Có nhiều người cảm thấy phiền toái vì không thể được "yên tĩnh".
Có nhiều người cảm thấy phiền toái vì không thể được "yên tĩnh".

Nghệ sỹ piano viết: "Tôi chẳng thấy có gì vui vẻ khi bị PMT cả. Ngược lại, nó khiến tôi bị sao lãng liên tục, một thứ mà tôi chỉ muốn mình có thể tắt ngay đi được". Sự chán ghét "sâu tai" của nghệ sỹ này còn lây sang cả những bài hát khiến ông xúc động nhất. Nguyên nhân chủ yếu vì những bài nhạc có sức ảnh hưởng nhất lại gây ra sự sao lãng trong đời sống thực.

Tuy vậy, sự chán ghét "sâu tai" thường bị mọi người hiểu sai về bản chất của hiện tượng. Chúng ta thường chỉ thấy khó chịu khi những bài hát mình không thích cứ văng vẳng trong não. Các phiếu thăm dò cho thấy chỉ 1/3 số "sâu tai" gây ra sự khó chịu. Jakubowski nói về kết quả điều tra: "Mọi người thường chuyển sang nhận xét không công bằng vì chúng ta có thiên hướng chỉ nhớ tới các trải nghiệm không vui".

Nền âm nhạc "sâu tai"

Nhưng dù thích hay không, não của bạn vẫn cứ hướng đến những bài hát được mở thường xuyên hoặc vừa mới nổi gần đây nhất. Một nghiên cứu hồi 2013 cũng trên tạp chí Tâm lý học Âm nhạc nhận thấy các bài hát càng giống nhau thì chúng có cơ hội trở thành "sâu tai" càng cao. Những người tham gia vào nghiên cứu cho biết họ không cần phải nghĩ nhiều về giai điệu để chúng có thể "bám" vào não. Bất kỳ ai đang ngâm nga theo một bài nhạc ở một cửa hàng hay một quán coffee đều có thể tự chứng thực được điều trên.

Tại Hội nghị Quốc tế về Cảm thụ và Nhận thức Âm nhạc lần thứ 12 được tổ chức tại Thessaloniki (Hy Lạp), các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những bài nhạc nào có các nốt càng dài, khoảng cách giữa các điểm vút cao càng ngắn thì khả năng trở thành "sâu tai" càng cao. Có lẽ chính vì các nốt dài khi kết hợp với sự thay đổi rất hạn chế các điểm vút cao khiến cho bài nhạc trở nên dễ hát hơn và dễ lặp lại hơn.

Tuy vậy bản nghiên cứu của Jakubowski được công bố hồi tháng 11/2016 trên tạp chí Tâm lý học về Mỹ học, Nghệ thuật và Sáng tạo, lại không đồng thuận với nhận xét trên. Jakubowski không cho cho rằng độ dài các nốt và khoảng cách các điểm vút cao có mối liên hệ với "sâu tai". Nhưng cô đồng ý rằng một bài hát càng dễ hát thì khả năng lưu lại trong não của nó càng cao. Nghiên cứu của Jakubowski dựa trên các bản thăm dò được tiến hành từ 2010 - 2013, khi so sánh các bản "sâu tai" với những bài hát phổ biến nhưng không bị xem là "sâu tai". Nghiên cứu này nhận thấy Lady Gaga là một trong các ca sỹ có khả năng tạo ra "sâu tai", với các bài hát "Bad Romance", "Alejandro" và "Poker Face" nằm top 10 bài "sâu tai" nhất nước Mỹ.

Những bài hát dễ "bám" vô não thường có cấu trúc khá giống nhau.
Những bài hát dễ "bám" vô não thường có cấu trúc khá giống nhau.

Jakubowski và các đồng sự đi đến kết luận rằng những bài có khả năng "bám" vô não thường có nhịp độ nhanh hơn những bài khác. Và các bài "sâu tai" thường chia sẻ chung kiểu mẫu các điểm vút cao vốn thường gặp trong nhạc phương Tây, cụ thể như các khúc dạo đầu bắt đầu với việc tăng dần độ cao các nốt nhạc rồi ngay lập tức hạ xuống. Ví dụ như các bài "Twinkle, Twinkle, Little Star" hay "Moves Like Jagger". Jakubowski viết: "Các bài sâu tai sử dụng các kỹ thuật âm học này thường có những kiểu mẫu giai điệu rất đơn giản".

Nhưng điều gây bất ngờ nhất là ngoài việc chia sẻ chung một số cấu trúc âm học ra, các "sâu tai" lại kèm theo một vài giai điệu bất thường trong lời hát. Ví như có nhiều bước nhảy quãng giữa các điểm vút cao hơn các bài khác, thường gặp trong nhạc pop, hoặc khoảng cách giữa các điểm vút cao kéo rộng hơn. Ví dụ cho các bài này là "My Sharona" của The Knack hay "Intergalactic" của Beastie Boys, bản nghiên cứu cho biết.

Tại sao não người cứ nhớ về chúng?

Bản chất của "sâu tai" là thế nhưng tại sao não chúng ta lại mắc mứu với chúng? Dĩ nhiên không phải cá nhân nào cũng bị ám ảnh bởi âm nhạc như nhau mà tuỳ cơ địa từng người. Ví dụ những người thiên về nghệ thuật như các nhạc sỹ dễ "thẩm" các bản nhạc vô não hơn là người thường. Bản nghiên cứu 2012 được công bố tại Hy Lạp nhận thấy những ai có các triệu chứng ám ảnh cưỡng ép (obsessive-compulsive) cận lâm sàng thường gặp tình trạng "sâu tai" nhiều hơn những người ít bị ám ảnh cưỡng ép (gọi là cận lâm sàng vì nó chưa phải hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - OCD - nhưng đã bắt đầu có xu hướng hay bị lo lắng và thoái thác công việc).

những ai bị "sâu tai" thường do họ làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại, ví như chạy bộ hoặc làm việc nhà, nội trợ.

Phần thuỳ thái dương chịu trách nhiệm biến các âm thanh thành tín hiệu mà não "hiểu" được.
Phần thuỳ thái dương chịu trách nhiệm biến các âm thanh thành tín hiệu mà não "hiểu" được.

Còn nguyên nhân tại sao não lại có tình trạng "sâu tai" vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Song một bài viết trên tạp chí Nature hồi 2005 nhận thấy rằng phần vỏ não thính giác - một phần của thuỳ thái dương vốn dùng để xử lý âm thanh và biến chúng thành tín hiệu thần kinh - thường bị kích hoạt một cách vô thức khi cơ thể nghe một bài nhạc quen thuộc nhưng một phần đoạn nhạc bị ngắt quãng. Nói cách khác, não của chúng ta đã "cố ý" "điền vào chỗ trống" để bản nhạc được "nghe" một cách trọn vẹn (dù thực tế nó đã bị tắt). Các nghiên cứu thậm chí còn có thể chỉ ra được sự khác biệt của phần vỏ thính giác khi nó "cố ý" lặp lại giọng người hát, hoặc lặp lại âm thanh của các nhạc cụ trình diễn trong bài hát.

Tuy vậy, do bản chất của việc "điền vào chỗ trống" là tự ý chứ không cần sự kích thích, nên tình trạng "sâu tai" rất khó bị loại bỏ, kể cả khi chúng ta cố ý làm việc đó. Một bản nghiên cứu "sâu tai" hồi 2010 được công bố bởi Tạp chí Thần Kinh (Anh) cho biết, khi các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia về nhật ký "sâu tai" của họ, dường như khi họ càng cố ý loại bỏ tình trạng trên thì bài hát càng hằn sâu vô não của họ. Nguyên nhân của việc này là khi ta càng nhắc đi nhắc lại một việc gì đó thì não của ta lại càng có thêm nhiều thời gian để "nhớ" về chúng. Đáng kể hơn là với những bài "sâu tai" càng có nhiều người nghe và thích nhại lại chúng thì những người ghét chúng lại càng khó mà quên được...

Tình trạng "sâu tai" rất khó bị loại bỏ.
Tình trạng "sâu tai" rất khó bị loại bỏ.

Có lẽ vì vậy mà không ít người trong chúng ta mong muốn được làm việc trong môi trường yên tĩnh. Vì bằng cách này hay cách khác, những lần nhại lại các bài hát của người này rất có thể khiến cho não người khác bị "sâu tai" và hiệu quả tư duy của họ sẽ giảm đáng kể.

Cập nhật: 28/07/2024 Tổng Hợp
  • 4.356