Tại sao cơ thể ngựa vằn lại phát triển các hàng sọc đen và trắng đặc trưng đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới khoa học từ nhiều thập kỷ qua. Và mãi cho tới gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Hungary và Thụy Điển mới có thể trả lời được câu hỏi này.
>>> Con lừa lai ngựa vằn hiếm có
Báo cáo của họ được đăng tải trên Tạp chí Sinh học thực nghiệm cho thấy đặc điểm trên cơ thể loài ngựa vằn giúp chúng có thể tránh xa nhiều loài côn trùng chuyên đi hút máu, thậm chí cả ruồi.
Chìa khóa dẫn đến khả năng đặc biệt này nằm ở chính những hàng sọc phản chiếu ánh sáng. “Chúng tôi đã tiến hành xem xét trên các nhóm ngựa màu đen, nâu và trắng”, Susanne Akesson đến từ Đại học Lund, một thành viên trong nhóm nghiên cứu quốc tế, cho biết.
Đặc điểm trên cơ thể loài ngựa vằn giúp chúng có thể tránh xa nhiều loài côn trùng chuyên đi hút máu.
“Ở nhóm ngựa đen và nâu (nói chung là những con ngựa màu tối), các chuyện gia nhận thấy cơ thể chúng phát ra ánh sáng dao động theo chiều ngang”, cô nói.
Hiệu ứng này biến chúng trở thành “miếng mồi” hấp dẫn các loài côn trùng. Bởi vì thứ ánh sáng đó khi đi vào sóng mắt của một con vật đang đói thì sẽ di chuyển dọc theo mặt phẳng nằm ngang, giống như một con rắn đang trườn dưới mặt sàn bằng phẳng. Trong khi đó, nhóm chuyên gia nhận thấy nhiều loài côn trùng biết bay trong đó có ruồi trâu luôn bị thu hút bởi những sóng ánh sáng “phẳng”.
Sau khi phát hiện ra sở thích đặc biệt này, họ liền hướng sự quan tâm đến nhóm ngựa vằn. Họ đã đặt một số tấm bảng mô tả ngựa đen, ngựa trắng và ngựa sọc với chiều rộng khác nhau tại các cánh đồng của một trang trại ngựa ở vùng nông thôn Hungary.
“Chúng tôi đã bôi một chất keo dính lên mỗi tấm bảng. Nó giúp chúng tôi có thể biết được số lượng côn trùng bị dính vào đó”, Akesson giải thích.
“Kết quả cho thấy trên tấm bảng sọc mô tả bộ lông của ngựa vằn, số côn trùng bị thu hút vào đó là rất ít, thậm chí còn ít hơn so với các tấm bảng trắng – tấm bảng phản chiếu ánh sáng không bị phân cực”, Tiến sĩ Akesson chia sẻ. “Trong mô hình sọc, vẫn có những vùng tối phản chiếu ánh sáng dao động theo chiều ngang nhưng rất hẹp. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến chúng kém hấp dẫn trong mắt các loài côn trùng”.
Những đường kẻ sọc sẽ giúp bảo vệ ngựa vằn khỏi các loài động vật ăn thịt.
Ngoài việc giúp ngựa vằn tránh được các loài côn trùng hút máu, những đường kẻ sọc sẽ giúp bảo vệ ngựa vằn khỏi các loài động vật ăn thịt nhờ tạo ra ảo ảnh quang học.
Sau khi sử dụng mô hình máy tính nghiên cứu, các nhà khoa học từ trường đại học Queensland, Australia phát hiện ra sọc ngựa vằn có thể tạo ra ảo ảnh quang học khi con vật di chuyển, giúp nó tránh khỏi sự tấn công của nhiều loại động vật ăn thịt và côn trùng sống ký sinh. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoology, BBC đưa tin.
Giới khoa học trước đó cho rằng, sọc ngựa vằn có chức năng truyền tín hiệu xã hội, ngụy trang vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn trong môi trường đồng cỏ.