Tại sao người bị trầm cảm thường muốn chết?

  •   3,73
  • 3.720

60-80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát. Họ sẽ tự kết liễu đời mình bất kể sớm hay muộn.

Theo điều tra về các bệnh không lây nhiễm tại 7 vùng sinh thái khác nhau, tỷ lệ người trầm cảm tại Việt Nam chiếm 4%. Trên thế giới, con số này là 20%, bao gồm bệnh nhân có biểu hiện điển hình và không rõ rệt.

Ngoài ra, thống kê trên thế giới cũng chỉ ra trong 100 người tử vong, ngoài yếu tố giao thông, khoảng 70-80 trường hợp liên quan trầm cảm. PGS.TS Tô Thanh Phương, Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội), nhận định: "Tỷ lệ này rất đáng báo động, yêu cầu chúng ta phải tìm cách ngăn chặn để bệnh nhân không diễn biến nặng, dẫn tới tự sát".

Trầm cảm tích lũy dẫn tới hành vi tự sát

PGS Tô Thanh Phương cho biết trầm cảm phát sinh từ 4 nguyên nhân chính bao gồm:

  • Vấn đề gia đình.
  • Nhân cách yếu hoặc không cân bằng.
  • Tâm lý bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội.
  • Người mắc bệnh hiểm nghèo.

Trong đó, việc tâm lý bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội là nguyên nhân gặp nhiều nhất. Số người trầm cảm liên quan yếu tố này chiếm 60-70%. Bệnh lý này có thể xuất phát từ việc buôn bán thất bại, áp lực học tập, môi trường ô nhiễm, mức độ tiếng ồn cao hay trẻ em nghiện game.

Bệnh nhân trầm cảm nặng luôn cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và quyết định tự sát.
Bệnh nhân trầm cảm nặng luôn cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và quyết định tự sát.

Theo PGS Phương, nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng thuộc nhóm không loạn thần, nhận thức được bản thân bị bệnh nhưng luôn buồn chán, bi quan. Họ cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và quyết định tự sát.

"Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân nữ, người dân tộc, mắc bệnh trầm cảm sau khi lấy chồng tại Hà Nội và sinh con. Trường hợp này xuất hiện triệu chứng ảo thanh, trong đầu vang lên giọng nói "không được ăn" lặp lại nhiều lần. Phải tới lần nhập viện thứ 3, bệnh nhân này mới được chữa dứt điểm", ông chia sẻ.

Đối với nhóm loạn thần, bệnh nhân không nhận thức được bệnh và có thể nảy sinh các hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí giết người. Các bệnh nhân trầm cảm lo âu, rối loạn lan tỏa thường bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Khi quá bức bối, những người này có thể tự hủy hoại thân thể bằng cách cắt mạch máu, rạch hoặc treo cổ.

Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thầm Trung ương 1 khẳng định 60-80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát. Các trường hợp này sẽ đưa ra quyết định tự tử bất kể sớm hay muộn, ngay khi đủ điều kiện hoặc xảy ra sự cố trong cuộc sống.

PGS Phương khuyến cáo: "Khi một người nói mình sẽ tự tử, họ không nói đùa, cơ hội chưa đến mà thôi. Do đó, khi gặp trường hợp tương tự, chúng ta cần đưa họ tới bệnh viện chuyên khoa tâm thần để điều trị tích cực ngay".

Sai lầm khi không coi trầm cảm là bệnh lý

Tại Việt Nam, nhiều người coi trầm cảm là lố bịch, thậm chí kỳ thị. Điều này khiến người mắc trầm cảm nhanh chóng rơi vào tình trạng mạn tính do giấu giếm, sợ gia đình, làng xóm.

PGS Thanh Phương cho biết: "Về nguyên tắc, sau khi nảy sinh một sang chấn tâm lý, trong 2 tuần đầu tiên, chúng ta cần giải quyết dứt điểm vấn đề. Đây là thời điểm bệnh ở giai đoạn cấp tính và dễ tháo gỡ. Sau 2 tuần, nếu vấn đề kéo dài, đây sẽ là tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm, được xét vào dạng bệnh lý. Khi vấn đề tích lũy, trầm cảm diễn biến nặng thành mãn tính sẽ dẫn đến tự tử".

PGS.TS Tô Thanh Phương nhận định nhiều gia đình tại Việt Nam không coi trầm cảm là bệnh lý.
PGS.TS Tô Thanh Phương nhận định nhiều gia đình tại Việt Nam không coi trầm cảm là bệnh lý. (Ảnh: Quốc Toàn).

Chuyên gia này chia sẻ từng gặp bệnh nhân là sinh viên, trầm cảm nặng, điều trị rất tốt trong tháng đầu tiên với sự quan tâm của mẹ. Tuy nhiên, ở tháng tiếp theo, người cha nhắn tin trực tiếp cho ông và đe dọa kiện bác sĩ vì cho rằng con trai mình không hề mắc bệnh.

Theo PGS Phương, nếu không nhìn nhận đúng, gia đình có thể trở thành nguyên nhân gây trầm cảm và làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh.

Bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm và điều trị

"Chúng ta nên đối diện với trầm cảm tương tự các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư... Trầm cảm cũng là bệnh lý. Nó không khác những bệnh thông thường và hoàn toàn chữa được. Nhiều trường hợp đã khỏi bệnh", PGS Phương nói.

Theo ông, vai trò của gia đình, nhất là cha mẹ, với bệnh nhân trầm cảm rất lớn. Chúng ta cần lắng nghe, cố gắng giải quyết khúc mắc cho bệnh nhân trong 2 tuần đầu sau sự cố. Ngoài ra, mọi người nên động viên, tránh tạo áp lực cho họ.

PGS Tô Thanh Phương hướng dẫn bệnh nhân làm khảo sát tâm lý.
PGS Tô Thanh Phương hướng dẫn bệnh nhân làm khảo sát tâm lý. (Ảnh: Quốc Toàn).

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng, người nhà cần đưa họ tới bệnh viện điều trị tích cực trong thời gian sớm nhất.

3 triệu chứng chính của trầm cảm:

  • Chán nản kéo dài trên 2 tuần.
  • Giảm hứng thú với các sở thích trước đó.
  • Mệt mỏi thường xuyên, hay gặp ở buổi sáng.

7 biểu hiện phụ của trầm cảm: Giảm tập trung, tự tin, nhìn nhận tương lai ảm đạm, rối loạn ý định, giấc ngủ, ăn uống kém và có hành vi tự sát.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân trầm cảm ở dạng nào, qua đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Với người trầm cảm tâm căn (do các căn nguyên tâm lý), bác sĩ phụ trách phải hỏi kỹ vấn đề nhằm tháo gỡ, kết hợp sử dụng thuốc.

"Điều quan trọng nhất là bệnh nhân có hợp tác hay không. Một số trường hợp ảo giác, họ phủ định bệnh của mình. Lúc này, các bác sĩ cần đưa thuốc cho bệnh nhân thông qua đồ ăn, thức uống để họ tỉnh táo trở lại trước khi giải quyết", PGS Phương cho hay.

Ngoài ra, việc tiếp cận, trò chuyện để tìm nguyên nhân gây trầm cảm là giai đoạn phức tạp nhất. Thông thường, các bệnh nhân trầm cảm nặng khi nhập viện sẽ không lắng nghe hay thực hiện theo lời bác sĩ. Việc khai thác thông tin từ họ rất khó.

Lúc này, bác sĩ thường khai thác từ những người gần gũi nhất với bệnh nhân, tìm ra vấn đề và tác động tâm lý để giúp họ thoát khỏi tình trạng đó.

PGS Tô Thanh Phương nhận định: "Trầm cảm có nhiều dạng khác nhau và rất khó phát hiện. Chúng ta cần xác định đúng loại trầm cảm, điều trị theo phác đồ và có thời gian chữa bệnh đủ dài, tránh để bệnh tái phát và diễn biến thành mãn tính".

Cập nhật: 22/07/2024 Theo Zing
  • 3,73
  • 3.720