Tại sao tiêm filler có thể gây chết người?

Tiêm filler là gì?
  •  
  • 153

Tiêm filler (chất làm đầy) tại cơ sở y tế kém uy tín, với số lượng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng, thuyên tắc phổi, tử vong nhanh chóng.

Chất làm đầy sinh học, còn gọi là filler, được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài. Filler có tác dụng làm đầy mô, do đó vùng được tiêm sẽ căng, đầy đặn và trẻ hóa. Vì cơ chế này, nhiều người tin filler có thể giúp độn mông hoặc nâng ngực, không cần dao kéo phẫu thuật.

Filler có tác dụng làm đầy mô, do đó vùng được tiêm sẽ căng, đầy đặn và trẻ hóa.
Filler có tác dụng làm đầy mô, do đó vùng được tiêm sẽ căng, đầy đặn và trẻ hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiêm filler chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai. Riêng vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây rất nhiều biến chứng.

Cụ thể, ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể bị sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực. Một số phản ứng dị ứng thường gặp như hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm ti, có thể nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.

Ở thể nặng hơn, nếu tiêm vào mạch máu, động mạch, có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực. Nguy cơ thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp, tử vong nhanh chóng nếu tiêm vào tĩnh mạch.

Đặc biệt, kỹ thuật này đòi hỏi được thực hiện bởi các bác sĩ đào tạo bài bản tại cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng. Nếu người tiêm không được đào tạo cũng như không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn, có thể gây tai biến cho người sử dụng.

Tiến sĩ, bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, cho biết thêm, nhiều trường hợp tiêm filler không rõ nguồn gốc, dẫn đến chất này vẫn còn trong cơ thể, tạo các ổ nhiễm trùng tiến triển âm thầm.

"Về lâu dài, chất này làm biến dạng ngực, để lại sẹo xấu co rút, phải điều trị nhiều lần, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế của bệnh nhân", ông Hải nói.

Bác sĩ khuyến cáo để hạn chế nguy cơ, chị em nên sử dụng các chất làm đầy được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế cấp phép và được cung cấp bởi các chuyên gia y tế uy tín, công ty dược, nhà thuốc phân phối.

Người dân khi muốn nâng ngực, cần tìm hiểu kỹ và đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, không nên tiêm chất làm đầy số lượng lớn. Hiện chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các chuyên gia không khuyến khích nâng ngực theo cách này. Một số phương pháp thay thế được khuyến nghị như tiêm mỡ tự thân, độ túi ngực, phẫu thuật chuyên vạt vi phẫu (đối với một số trường hợp mất tuyến vú do cắt bỏ).

Đặc biệt, ông Hải khuyên chị em không tin mù quáng vào những lời quảng cáo như làm đẹp không đau, đẹp ngay tức thì, an toàn, giá rẻ, sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường.

Cập nhật: 30/06/2023 VnExpress
  • 153