Tại sao trẻ học kém vẫn thành công khi lớn lên?

  •  
  • 3.734

Chỉ số thông minh của con người có thể tăng hoặc giảm trong thời niên thiếu. Điều đó giải thích tại sao nhiều trẻ học kém trong những lớp đầu tiên vẫn có thể đạt được thành tựu học thuật đáng nể trong giai đoạn trưởng thành.

Từ trước tới nay nhiều người nghĩ chỉ số thông minh (IQ) không thay đổi trong suốt cuộc đời con người, song nhiều nhà khoa học hoài nghi quan niệm đó.

Nature đưa tin các nhà khoa học của trường University College London tại Anh chọn 19 học sinh nam và 14 học sinh nữ để thực hiện nghiên cứu về IQ vào năm 2004. Khi đó tuổi trung bình của các em là 14. Nhóm nghiên cứu chụp não của nhóm học sinh rồi yêu cầu các em thực hiện các bài kiểm tra IQ dưới dạng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Thử nghiệm tương tự với nhóm học sinh được lặp lại vào năm 2008. Kết quả cho thấy chỉ số IQ liên quan tới ngôn ngữ của 39% số học sinh thay đổi.

Giới khoa học nhất trí rằng trí thông minh ngôn ngữ của con người phụ thuộc vào độ đặc của vỏ não vận động bên trái – vùng não được kích hoạt trong lúc con người phát ngôn. Vỏ não vận động bên trái càng đặc thì trí thông minh ngôn ngữ càng tăng.

Trong khi đó, độ đặc của vùng vỏ não phía trước càng lớn thì trí thông minh phi ngôn ngữ càng tăng.

Nghiên cứu cho thấy chỉ số IQ có thể tăng hoặc giảm và những người học giỏi ở giai đoạn thiếu niên vẫn có nguy cơ không duy trì được chỉ số IQ trong giai đoạn sau của cuộc đời. Ngược lại, những trẻ học kém vẫn có thể đạt được thành tựu học thuật to lớn khi chúng trưởng thành.

Sebastian Friston, 23 tuổi, là một trong những người từng tham gia hai thử nghiệm. Điểm IQ của anh trong lần thử nghiệm thứ hai tăng vọt so với lần thứ nhất. Chàng thanh niên thừa nhận anh phải vật lộn với các môn học trong những lớp đầu tiên, đặc biệt là môn toán. Nhưng giờ đây anh sắp hoàn thành luận án tiến sĩ trong ngành khoa học máy tính.

“Tôi nghĩ chỉ số IQ của tôi tăng khi tôi bắt đầu tiếp cận những môn học mà tôi thích. Khi tôi thích một môn học nào đó, tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết cho nó. Nhờ đó tôi thấy môn học trở nên dễ dàng và thú vị hơn”, Friston tâm sự.

Giáo sư Cathy Price, trưởng nhóm nghiên cứu, bình luận rằng cha mẹ thường đánh giá khả năng học tập của trẻ từ sớm để quyết định kế hoạch học tập của chúng trong tương lai.

"Nhưng chúng tôi vừa chứng minh rằng trí thông minh của trẻ vẫn có thể phát triển lên mức cao hơn. Vì thế người lớn không nên coi thường những trẻ học kém ở những lớp đầu tiên, vì chỉ số IQ của chúng có thể tăng mạnh trong vòng vài năm sau đó”, giáo sư Price nhận định.

Theo Vnexpress
  • 3.734