Tấm bản đồ mà nhiều người cho là ra đời từ thế kỷ 15 thực chất được tạo ra từ những năm 1920.
Khi Đại học Yale có trong tay bản đồ Vinland năm 1965, họ tự hào tuyên bố tấm bản đồ ra đời thế kỷ 15 này là bằng chứng chứng minh người Norsemen là những người châu Âu đầu tiên tới Tân Thế giới thay vì Christopher Columbus.
Tuy nhiên, các học giả vẫn bán tin bán nghi về kết luận này vì nghi ngờ dấu mực in hiện đại trên bản đồ.
Phân tích mới đây cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Vinland thực chất chỉ là một trò bịp bợm.
Bản đồ Vinland hiển thị cả Greenland và một hòn đảo phía tây Đại Tây Dương có tên “Vinilanda Insula”. (Ảnh: Đại học Yale)
"Bản đồ Vinland là đồ giả", Raymond Clemens, người phụ trách tại Thư viện Sách hiếm & Bản thảo Beinecke của Đại học Yale - nơi lưu trữ bản đồ cho hay.
Nhóm nghiên cứu do Clemens đứng đầu sử dụng quang phổ huỳnh quang tia X và kính hiển vi Raman để quét toàn bộ bản đồ. Kết quả cho thấy phần lớn bản đồ được phác thảo bằng loại mực làm từ titan và bari. Loại mực đặc biệt này được sản xuất lần đầu tiên ở Na Uy vào năm 1923.
Theo Clemens, tác giả của Vinland đã cố ghi đè lên một dòng chữ trên mặt sau của tấm bản đồ để khiến nó trông như được ra đời từ thế kỷ 15.
Clemens cũng chỉ ra rằng bản đồ Vinland thiếu sự trang trí tỉ mỉ như các bản đồ thời Trung cổ.
Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào nào bản đồ Vinland tới tay một tay lái buôn người Thụy Sĩ sau Thế chiến II.
Sau đó, nó được một người Mỹ mua lại. Người này lại bán nó cho một cựu sinh viên Đại học Yale và tấm bản đồ trở thành tâm điểm chú ý kể từ đó.
Clemens hy vọng nghiên cứu mới sẽ chấm dứt cuộc tranh luận về tính xác thực của tấm bản đồ "bịp bợm" này.
"Đã có rất nhiều tranh cãi liên quan tới tấm bản đồ này và chúng tôi không muốn nó tiếp tục", ông này cho hay.