Tấm bia đá 31.000 tấn của hoàng đế Trung Quốc

  •  
  • 601

Tấm bia đá với 3 phần đế, thân và đỉnh cao tổng cộng hơn 70 m và được đúc từ núi đá, đồ sộ đến mức không thể di dời và đang để hoang phí.

Mỏ đá cổ Dương Sơn tọa lạc trên những ngọn đồi gần cố đô Nam Kinh, đông nam Trung Quốc. Đá vôi từ mỏ Dương Sơn được khai thác từ thời Lục Triều (đầu thế kỷ 3 đến cuối thế kỷ 6) và dùng để xây các tòa nhà, tường thành, tượng ở trong và xung quanh Nam Kinh. Đặc biệt, sau khi Chu Nguyên Chương lập nên triều Minh vào năm 1368, mỏ Dương Sơn trở thành nguồn cung cấp đá chính cho mọi công trình xây dựng lớn làm thay đổi bộ mặt Nam Kinh.

 Phần thân và đỉnh của tấm bia đá ở mỏ đá Dương Sơn.
Phần thân và đỉnh của tấm bia đá ở mỏ đá Dương Sơn. (Ảnh: Megalithic China).

Ngày nay, mỏ Dương Sơn không còn huy hoàng như vậy. Tuy nhiên, những người quan tâm đến lịch sử Trung Quốc vẫn ghé thăm nơi này để chiêm ngưỡng một tấm bia đá khổng lồ bị bỏ dở.

Hoàng đế Vĩnh Lạc (tên thật là Chu Đệ) đặt làm tấm bia với ý định dựng tảng đá nguyên khối này trên lăng mộ của cha ông, Chu Nguyên Chương. Vĩnh Lạc là một trong những hoàng đế vĩ đại của Trung Quốc nhưng cũng rất tàn nhẫn, tra tấn và lấy mạng bất cứ ai nổi dậy chống lại vương triều của mình.

Năm 1405, hoàng đế Vĩnh Lạc ra lệnh cắt một tấm bia khổng lồ ở mỏ đá Dương Sơn. Tấm bia phải được cắt thành ba phần riêng biệt: phần đế hình chữ nhật, phần thân cao và phẳng, phần đỉnh có trang trí. Vĩnh Lạc muốn công trình tưởng niệm cha mình phải lớn nhất Trung Quốc. Kích thước mà ông yêu cầu các kỹ sư thực hiện cực kỳ ấn tượng: phần đế cao 16 m và dài 30 m, phần thân cao 50 m, phần đỉnh cao 10 m. Nếu được hoàn thiện và lắp ráp lại, tấm bia sẽ cao hơn 70 m.

Hàng nghìn công nhân đã dành nhiều năm để dọn quang sườn đồi và chạm khắc đá từ trên núi. Theo lời kể, những công nhân không tạo ra đủ lượng đá vụn theo định mức hàng ngày sẽ bị xử tử tại chỗ. Để tưởng nhớ những người bỏ mạng tại công trường, kể cả người chết vì làm việc quá sức và đau ốm, một ngôi làng gần đó được đặt tên là Fentou, hay "Gò Mộ".

 Phần đế của tấm bia đá (gần giữa ảnh), phần thân và phần đỉnh (góc trên bên phải).
Phần đế của tấm bia đá (gần giữa ảnh), phần thân và phần đỉnh (góc trên bên phải). (Ảnh: Megalithic China).

Với sức lao động và chi phí khổng lồ, ba phần của tấm bia được đục đẽo gần như hoàn toàn tách khỏi núi. Sau đó, các kỹ sư nhận ra sự điên rồ của hoàng đế: Không có cách nào để di chuyển tấm bia đồ sộ nặng tổng cộng 31.000 tấn từ mỏ đá đến khu mộ.

Kết quả, công trình bị hủy bỏ và hoàng đế Vĩnh Lạc phải làm một tấm bia nhỏ hơn nhiều. Tấm bia mới được lắp đặt tại lăng Minh Hiếu vào năm 1413, gồm một con rùa đá đỡ một tấm đá chạm khắc, trên đỉnh là những con rồng không sừng. Dù chỉ cao 9 m, đây vẫn là một đài tưởng niệm ấn tượng.

Tấm bia ở mỏ đá Dương Sơn là một nỗ lực phí phạm, nhưng hoàng đế Vĩnh Lạc đã làm một số điều vĩ đại cho Trung Quốc. Ông ra lệnh tu sửa Đại Vận Hà - kênh nước kết nối miền bắc và miền nam Trung Quốc. Ông dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh, xây dựng Tử Cấm Thành, công trình kiến trúc đồ sộ trở thành nơi ở của các vị vua Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ.

Hoàng đế Vĩnh Lạc cũng cho xây dựng Tháp sứ Nam Kinh, một trong những kỳ quan của thế giới trước khi bị phá hủy trong cuộc nổi dậy năm 1856. Ông cũng thúc đẩy hoạt động thám hiểm biển, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tới tận châu Phi và Trung Đông.

Cập nhật: 27/05/2024 VnExpress
  • 601