Tập cho trẻ thói quen đọc sách

  •  
  • 1.112

Những nghiên cứu khoa học ghi nhận rằng, việc tập cho trẻ thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ, nhất là trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, sẽ là một món quà giá trị mà chúng sẽ mang theo suốt cuộc đời. Nhưng làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể tập cho con mình thói quen đọc sách?

Hãy bắt đầu công việc hàng ngày và đều đặn

Những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe càng sớm chừng nào thì khi đi học, trình độ đọc và viết sẽ hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa

(Ảnh: wsc.ac)

Susan B.Neuman, chuyên viên nghiên cứu về văn chương Đại học Michigan, Mỹ xác nhận rằng những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe càng sớm chừng nào thì khi đi học, trình độ đọc và viết sẽ hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Khả năng đó sẽ phát triển mãi với đứa trẻ sau này. Nếu mỗi ngày bạn cùng con đọc một cuốn sách là bạn đã tạo cho con một thói quen tốt.

Tầm quan trọng của việc chọn đúng sách

Với phương châm mỗi ngày một cuốn sách. Đúng, nhưng bạn không chọn sách phù hợp lứa tuổi của con thì cũng không tốt, phản khoa học bởi vì trí óc của trẻ lên 2 khác với trẻ lên 5. Hãy bắt đầu bằng những cuốn sách gồm nhiều hình minh họa. Khi con bạn đã nói được rõ âm là lúc bạn có thể bắt đầu. Tùy theo mức độ hứng thú của con mà áp dụng việc đọc sách. Sách có hình minh họa rất bổ ích trong việc dạy cho chúng nhận biết những sự vật diễn ra hàng ngày. Tiếp đến là những câu chuyện có kết cấu, nội dung đơn giản về tình bạn, tình yêu thương gia đinh, những bài hát... sẽ giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống.

Tiến trình tạo sự hứng thú và yêu thích đọc sách

Dù con bạn đang ở độ tuổi nào và với bất cứ loại sách nào, bạn cũng phải luôn nhớ rằng phương pháp tiếp cận là vô cùng quan trọng. Sẽ có nhiều phương pháp để đọc sách cùng với con, nhưng một quy tắc chung để tạo cho các bé sự hứng thú và niềm ham mê kiến thức trên từng trang sách.

Muốn vậy, cần chuẩn bị một khung cảnh thân thiện giữa cha, mẹ với con bằng cách cùng ngồi vào bàn hay ôm chúng trong lòng, để chúng đối diện với trang sách lật mở. Hãy bắt đầu trước bằng một vài hình ảnh hay câu ngắn để trẻ thật tự nhiên chú ý đến câu chuyện, sau đó hãy khuyến khích chúng đọc tiếp, và cũng đừng quên đặt một vài câu hỏi cho chúng.

Hãy tạo điều kiện để trẻ hòa mình vào câu chuyện một cách tích cực. Ngừng câu chuyên để khuyến khích trẻ suy nghĩ tình huống tiếp theo. Đây sẽ là bằng chứng đầu tiên về sự sáng tạo của trẻ.

Sau khi kết thúc câu chuyện, bạn nên hỏi trẻ ngay xem điều gì trong câu chuyện làm cho trẻ thích thú nhất. Điều này không chỉ giúp con bạn luyện thêm năng khiếu về diễn đạt bằng ngôn ngữ, mà còn khiến cho trẻ muốn giữ câu chuyện này theo cách riêng.

Theo Kiến thức ngày nay, VTV
  • 1.112