Tàu siêu tốc chạy liên thành phố tốc độ 1.000km/h

  •   52
  • 6.269

Tàu siêu tốc của Virgin Hyperloop có thể chở khách qua lại giữa các thành phố nhanh gấp 10 lần tàu sắt thương mại nhờ công nghệ đệm từ.


Mô phỏng tàu siêu tốc chạy trong đường ray nối giữa các thành phố. (Video: Virgin Hyperloop)

Virgin Hyperloop, công ty thuộc tập đoàn Virgin của tỷ phú Richard Branson, hôm 23/8 chia sẻ video hé lộ tầm nhìn đối với lưu thông bằng tàu siêu tốc và cách hệ thống hoạt động. Đó là một dự án tham vọng có thể tốn nhiều năm để xây dựng. Nhưng nhiều khả năng tàu siêu tốc sẽ là dạng giao thông công cộng mới đầu tiên trở thành hiện thực trong vòng 100 năm nữa.

Video của Virgin Hyperloop cung cấp nhiều chi tiết về cấu trúc của hệ thống thương mại bao gồm động cơ nâng, động cơ đẩy và bộ pin công suất cao. Trong video, khoang tàu chở khách tăng tốc trong đường ống cận chân không nhờ lực đẩy điện, chạy dọc đường ray mà không cần tiếp xúc trực tiếp nhờ đệm từ giúp hạn chế lực cản. Ngoài chi tiết kỹ thuật, công ty còn thể hiện giá trị, tính bền vững và kinh tế của thiết kế.

Virgin Hyperloop hướng tới chở hành khách hoặc hàng hóa ở tốc độ gần với giao thông hàng không. Mục tiêu tốc độ 1.078km/h nhanh gấp 3 lần tàu sắt cao tốc và gấp hơn 10 lần tàu sắt thông thường, cho phép hành khách đi từ San Francisco tới Los Angeles trong khoảng 30 phút.

Tàu siêu tốc Hyperloop là ý tưởng của Robert Goddard. Nhà khoa học tên lửa đưa ra ý tưởng về phương tiện mới năm 1904. Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla và SpaceX giao cho một nhóm kỹ sư thiết kế đường tàu. Ông công bố thiết kế tàu Hyperloop như một dự án nguồn mở và nhiều công ty khác nhanh chóng phát triển phương tiện. Theo Musk, tàu Hyperloop lơ lửng nhờ từ trường sẽ di chuyển trong đường ống chân không. Do không có ma sát với không khí, khoang tàu trong đường ống có thể chạy ở tốc độ nhanh hơn hẳn.

Tàu siêu tốc
Do không có ma sát với không khí, khoang tàu trong đường ống có thể chạy ở tốc độ nhanh hơn hẳn.

Công ty Virgin Hyperloop ở Los Angeles đã thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư tư nhân từ khi thành lập năm 2014. Hiện nay, công ty đang phát triển và thương mại hóa phần mềm và phần cứng của tàu Hyperloop với gần 300 nhân viên toàn thời gian ở Mỹ. Tại cơ sở DevLoop ở ngoại ô Las Vegas, Virgin Hyperloop đã hoàn thành hơn 500 lần thử nghiệm công nghệ, bao gồm chở khách.

Hồi tháng 11/2020, Virgin Hyperloop thử nghiệm thành công công nghệ Hyperloop, trong đó nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Josh Giegel và giám đốc trải nghiệm khách hàng Sara Luchian của công ty đã tham gia chuyến đi đầu tiên. Virgin Hyperloop khẳng định tàu Hyperloop ít tác động tới môi trường hơn các phương tiện giao thông khác do không thải khí carbon. Hệ thống điều khiển trung tâm cũng giúp khoang tàu di chuyển an toàn.

Theo công ty, vài khoang tàu có thể khởi hành mỗi phút và hệ thống không cần dừng lại ở mỗi trạm. Virgin Hyperloop muốn chở 50.000 hành khách một giờ, tương đương lưu lượng trên đường cao tốc 30 làn. Virgin Hyperloop đang chế tạo khoang tàu XP-1 và đã thử nghiệm thiết kế ở tốc độ hàng trăm kilomet mỗi giờ.

Cập nhật: 25/08/2021 Theo VnExpress
  • 52
  • 6.269