Tẩy giun bằng hạt trâm bầu và hạt nấc

  •  
  • 721

Người miền Nam thường dùng hạt trâm bầu để tẩy các loại giun. Dược liệu cũng đã được các các nhà khoa học bào chế thành viên thuốc. Còn ở miền Bắc, người dân thường dùng hạt sử quân (cây nấc) cho mục đích này.

Trâm bầu còn có tên là trưng bầu, tim bầu, song re, là một cây nhỏ, hoa màu vàng nhạt, quả có 4 cánh mỏng. Cây mọc hoang chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Quả trâm bầu thu hái vào mùa thu đông, tách lấy hạt, phơi hoặc sấy khô. Nước sắc hạt trâm bầu, dịch chiết các thành phần từ hạt như tanin, flavon, dầu béo... khi kết hợp sẽ có tác dụng trừ diệt mạnh hơn so với các thành phần được chiết riêng rẽ.

Khi dùng, lấy hạt trâm bầu nướng qua, giã nhỏ rồi kẹp vào chuối chín mà nuốt vì thuốc có vị rất đắng, chát và mùi hăng cay. Mỗi ngày, người lớn dùng 10-15 hạt, trẻ em tùy tuổi dùng 5-10 hạt. Có thể dùng hạt trâm bầu nghiền nát với lá mơ tam thể (lượng bằng nhau) rồi trộn với bột làm bánh hấp, ăn vào buổi sáng sớm lúc đói.

Dựa vào kinh nghiệm trên, Viện Y học dân tộc TP HCM đã nghiên cứu bào chế “viên trâm bầu” gồm cao và bột hạt này với bột lá muồng trâu, mỗi viên 0,25 g. Viên trâm bầu đã được sử dụng cho 450 bệnh nhân bị nhiễm giun đũa (có xét nghiệm phân trước và sau điều trị). Mỗi ngày, người lớn uống 10 viên; trẻ em 6-14 tuổi uống 5 viên, 1-5 tuổi uống 1 viên (uống vào buổi sáng lúc đói trong 3 ngày liền).

Kết quả, tỷ lệ ra giun của viên trâm bầu là 70%, so với thuốc thông dụng piperazin là 90%; tỷ lệ trứng giun còn lại trong phân là 57% (piperazin là 20%).

Có người còn lấy chất nhớt ở mặt trong vỏ cây trâm bầu để uống, cũng thấy ra giun. Ở Campuchia và Thái Lan, hạt trâm bầu cũng được dùng làm thuốc tẩy giun.

Cây sử quân

Cây sử quân.

Cây sử quân.
(Ảnh: SK & ĐS)

Còn có tên là cây quả giun, dây giun, quả nấc, tên khoa học là Quisqualis indica L. Đây là một cây leo có hoa màu trắng, sau chuyển hồng hoặc đỏ. Quả khô có 5 sống dọc. Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh ở nhiều nơi.

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu của sử quân là quả, thu hái vào tháng 9-11, lúc vỏ đã chuyển màu nâu đỏ, cứng bóng; đem về, tách ra, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, đập vỡ vỏ ngoài lấy nhân, cắt bỏ hai đầu và bóc sạch màng vỏ lụa bao quanh (người ta cho rằng chính những bộ phận này đã gây nấc khó chịu) rồi sao vàng.

Thành phần có tác dụng tẩy giun của sử quân là hoạt chất acid quisqualic, L-prolin, L-asparagin, acid hữu cơ, dầu béo. Nó đã được công nhận là thuốc tẩy giun từ lâu đời ở các nước châu Á. Y học hiện đại cũng xác định sử quân diệt được giun đất và giun đũa. Trẻ em ở miền núi thường hái quả tươi, lấy nhân ăn sống, thấy ra giun.

Bột sử quân được dùng với liều 5-10 g cho trẻ em tùy tuổi và 10-20 g cho người lớn. Uống liền 3 ngày vào buổi sáng. Có thể phối hợp với bột hạt me, liều lượng bằng nhau, không phải dùng thuốc tẩy. Nó thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác để tăng thêm tính bổ dưỡng, chống xanh xao, gầy còm, cam tích theo những công thức sau:

- Nhân sử quân 10 g, hạt sen 20 g, thóc đã nẩy mầm 30 g. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

- Bột sử quân 5 g, đẳng sâm 10 g, bạch truật 10 g, sao cam thảo 5 g. Sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống một lần trong ngày.

- Nhân sử quân, nhục đậu khấu, mạch nha mỗi vị 150 g, thần khúc, hoàng liên mỗi vị 300 g, hạt cau 20 hạt, mộc hương 60 g. Tất cả tán bột, trộn với mật lợn chế thành hoàn to bằng hạt ngô. Ngày uống 30 hoàn với nước ấm.

Có người đã dùng rễ sử quân thay thế nhân quả thấy vẫn ra giun, lại không bị nấc. Cách làm cụ thể như sau: Rễ thu hái quanh năm, đào về rửa sạch, thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, lấy rễ sử quân 20 g, hạt ý dĩ 30 g, sắc với nước hoặc tán bột mịn, uống trong ngày.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 721