Tên lửa tái sử dụng ảnh hưởng thế nào đến ngành hàng không và vũ trụ?

  •  
  • 2.251

Thứ hai ngày 21 tháng 12 vừa qua, tập đoàn SpaceX bắn một tên lửa vào không gian và hạ cánh nó trở về mặt đất, trong trạng thái hoàn toàn nguyên vẹn. Không chỉ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong việc chế tạo tên lửa tái sử dụng, thành công nói trên có sức ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của ngành du lịch không gian. Như Elon Musk đã từng tiết lộ, toàn bộ chi phí cho nhiệm vụ phóng tên lửa Falcon 9 vào không gian lên đến 61,2 triệu USD. Nhưng giờ đây, qua việc tái sử dụng tên lửa, con số này có thể giảm xuống chỉ còn 612.000 đô la Mỹ, thậm chí thấp hơn.

Một mô hình kinh doanh khủng khiếp

Trong gần 60 năm qua, ngành công nghiệp vũ trụ vẫn tồn tại, mặc dù mô hình kinh doanh kiểu truyền thống sẽ nhanh chóng nhấn chìm bất kỳ công ty nào. Nguyên do là vì ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hoạt động chủ yếu nhờ tên lửa, trong khi phải tốn hàng chục đến hàng trăm triệu USD để xây dựng và phóng vào không gian, chỉ 1 lần. Rõ ràng theo nghĩa đen, số tiền này đều tan thành mây khói sau mỗi cú phóng. Sau khi một tên lửa hoàn thành sứ mệnh của mình, phần lớn sẽ rơi trở lại trái đất, tại đại dương, sau đó chìm xuống đáy biển và không bao giờ được nhìn thấy một lần nào nữa.

Toàn bộ chi phí cho nhiệm vụ phóng tên lửa Falcon 9 vào không gian lên đến 61,2 triệu USD.
Toàn bộ chi phí cho nhiệm vụ phóng tên lửa Falcon 9 vào không gian lên đến 61,2 triệu USD. (Ảnh: Businessinsider).​

Hãy thử nghĩ điều tương tự đối với ngành công nghiệp hàng không, sau mỗi chuyến bay người ta lại vứt bỏ chiếc máy bay ấy đi, thì đúng là "tiền có chất thành núi cũng không đủ". Theo tác giả Tim Urban của trang Waitbutwhy, nếu các hãng hàng không cũng thực hiện như những giả thiết bên trên, chúng ta sẽ phải trả 1,5 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi trên máy bay.

"Tốn khoảng 300 triệu USD để hoàn thành một chiếc máy bay. Vì vậy, trong mô hình mới này, ngoài việc phải trả tiền cho phi hành đoàn và nhiên liệu, hãng hàng không phải chi thêm 300 triệu đô sau mỗi chuyến bay để cho ra lò một chiếc máy bay khác. Số tiền phải trả cho 1 vé khứ hồi giữa Chicago và San Francisco bây giờ sẽ vào khoảng 1,5 triệu USD".

Tên lửa đáng tin cậy và bền vững

SpaceX thuộc sở hữu của doanh nhân Elon Musk.
SpaceX thuộc sở hữu của doanh nhân Elon Musk. (Ảnh: Businessinsider).​

Có thể nói những gì Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX) đã làm được hôm thứ 2 tuần rồi đã thiết lập một giai đoạn mới cho kỷ nguyên của tên lửa tái sử dụng - loại tên lửa có thể chở hàng lên quỹ đạo nhiều hơn một lần. Tuy nhiên, SpaceX luôn biết mình là một công ty tư nhân. Do đó, hãng không thể hoạt động dựa trên nguồn ngân sách vô tận như những cơ quan không gian của chính phủ Mỹ, vốn thống trị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tại quốc gia này suốt nửa cuối thế kỷ 20.

SpaceX thuộc sở hữu của doanh nhân Elon Musk, cần phải tìm một phương án để vừa trở thành thương hiệu đáng tin cậy, vừa phải phát triển bền vững, và tên lửa tái sử dụng chính là mẫu chốt của vấn đề. Musk đã biết điều này từ khi SpaceX phóng tên lửa đầu tiên của mình vào quỹ đạo vào năm 2008. Kể từ đó, họ đã làm việc không ngừng nghỉ để hướng đến những gì đạt được hôm thứ 2 tuần qua và đó chỉ mới là sự khởi đầu.

Bây giờ, SpaceX sẽ phải chứng minh rằng họ có thể luôn thực hiện được những gì họ đã làm. Trong khi đó, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của SpaceX là công ty có trụ sở tại Pháp - Arianespace, hiện đang thảo luận về tiềm năng của công nghệ tái sử dụng, tuy nhiên hiện chúng vẫn còn đang trong giai đoạn thiết kế sơ bộ.

Mở đường tới sao Hỏa

Tàu vũ trụ Dragon của SpaceX.
Tàu vũ trụ Dragon của SpaceX. (Ảnh: NBCNews).​

Cuối tháng 11 vừa rồi, công ty Blue Origin của Jeff Bezos đưa tên lửa New Shepard vào không gian, đạt đến độ cao gần 100km so với mặt đất, sau đó hạ cánh về Trái đất, tương tự như những gì SpaceX đã làm được với Falcon 9. Tuy nhiên, không giống như SpaceX, tên lửa thuộc Blue Origin không thể tiếp cận quỹ đạo không gian, là khả năng quan trọng trong việc đưa "hàng hóa" vào không gian cũng như di chuyển đến các điểm đến xa xôi như sao Hỏa.

Hơn nữa, New Shepard phải mất nhiều năng lượng hơn để có thể đi vào quỹ đạo, và Falcon 9 của SpaceX mạnh hơn gấp 15 lần so với tên lửa của Blue Origin. Ben Thompson - sáng lập trang Stratechery nói: "Những gì SpaceX thực hiện chỉ tương đối giống Blue Origin, cũng như sự khác biệt giữa một chiếc máy bay và một quả bóng ném, hoặc nếu bạn hào phóng hơn thì cũng có thể cho rằng đó là sự khác biệt giữa một chiếc máy bay và một kinh khí cầu".

Ngoài cắt giảm chi phí vận chuyển vũ trụ, tên lửa tái sử dụng của SpaceX còn có thể là một nhân tố quan trọng trong việc gửi con người lên sao Hỏa. NASA đã công bố kế hoạch thực hiện điều này vào những năm 2030, nhưng họ đã nhấn mạnh rằng đó sẽ là một chuyến đi khứ hồi. Để điều đó xảy ra, bạn phải có một tên lửa lên đến sao Hỏa, sau đó có thể đưa các phi hành gia rời khỏi đó và trở về Trái đất sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ. Việc này đòi hỏi phải có một tên lửa đủ khả năng đáp an toàn về mặt đất, giống như những gì chúng ta đã nhìn thấy tối thứ 2.

Theo Tinh Tế
  • 2.251