Test nhanh không chẩn đoán được H5N1

  •  
  • 176

Trước đây, kết quả test nhanh dùng để chẩn đoán H5N1 được nhận định là không đáng tin cậy. Thế nhưng, hiện một số tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định: "Không có test nhanh nào được khuyến cáo sử dụng trong chẩn đoán H5N1".

Ông Huấn cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo về việc sử dụng các dụng cụ test nhanh để xác định người bệnh bị nhiễm virus H5N1. Bộ Y tế cũng chưa có kế hoạch áp dụng biện pháp này cho các tỉnh thành. Chỉ có những đơn vị y tế được giao trách nhiệm mới có quyền thực hiện các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm H5N1 bằng kỹ thuật hiện đại. Và phía Nam chỉ có Viện Pasteur mới có quyền kết luận một ca nào đó có nhiễm H5N1 hay không.

Thực hiện chiết xuất ARN của virut tại Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Mỹ Lan

Thực hiện chiết xuất ARN của virus tại Viện Pasteur TP HCM. (Ảnh: Mỹ Lan/VNE)

Cũng theo ông Huấn, các tỉnh chỉ có thể dựa vào tình hình dịch tễ đang xảy ra cùng các triệu chứng liên quan mà bước đầu cách ly những trường hợp nghi nhiễm H5N1. Sau đó lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các đơn vị có chức năng làm xét nghiệm (20 tỉnh thành phía Nam chưa có tỉnh nào có phòng xét nghiệm chẩn đoán H5N1 riêng). Tất cả các mẫu bệnh phẩm đều được gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) hoặc Viện Pasteur để làm xét nghiệm. Kết luận của Viện Pasteur mới là kết quả cuối cùng. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng virus hô hấp Viện Pasteur, thì trước đây Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được WHO tài trợ một số bộ dụng cụ test nhanh để chẩn đoán H5N1 nhưng cho kết quả không thống nhất, không đáng tin cậy nên chỉ sau một thời gian, cả hai đơn vị trên không sử dụng nữa.

Nếu hiện nay, còn nơi nào sử dụng test nhanh để chẩn đoán H5N1 thì điều này cũng không đem lại kết quả gì. Vì test nhanh không thể khẳng định được có nhiễm H5N1 mà chỉ có tính sàng lọc bước đầu nhưng độ tin cậy "thì có thể nói là hoàn toàn không có", bác sĩ Long nhìn nhận. Cũng theo ông, để có kết luận một trường hợp có bị nhiễm H5N1 hay không thì mẫu bệnh phẩm cần được làm xét nghiệm với các kỹ thuật RT-PCR hoặc Realtime RT-PCR.

Khi nghi ngờ có ca nhiễm H5N1, các tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm chuyển đến Viện Pasteur. Tại đây, quá trình làm xét nghiệm bao gồm chu kỳ: chiết xuất lấy ARN của virus để cho vào máy luân nhiệt - chạy điện di - cho ra kết quả.

Với kỹ thuật RT-PCR, về mặt lý thuyết, có thể cho kết quả chính xác từ 98 đến 99%. Kỹ thuật này được sử dụng trước tiên trong việc chẩn đoán H5N1. Nếu có kết quả dương tính thì có thể khẳng định ngay. Nhưng nếu kỹ thuật RT-PCR cho ra kết quả âm tính nhưng có những triệu chứng lâm sàng điển hình thì sẽ làm tiếp xét nghiệm Realtime RT-PCR mới có thể cho ra kết luận cuối cùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, độ chính xác về mặt lý thuyết của phương pháp Realtime RT-PCR là 100%. "Mặc dù chính xác hơn nhưng kỹ thuật này chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết vì chi phí cao hơn kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR rất nhiều", bác sĩ Long giải thích.

Cũng theo lý thuyết, một xét nghiệm H5N1chỉ mất 6 giờ là có thể cho ra kết quả. Nhưng do còn thiếu máy móc nên hằng ngày Viện phải chờ gần hết ngày thì mới cho tất cả bệnh phẩm nhận được trong ngày vào làm xét nghiệm, đây là lý do vì sao phải 24 giờ mới có kết quả. Ông Long cũng cho biết, từ đầu năm 2006 đến nay, chỉ có 9 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus H5N1 từ các nơi gửi về, giảm rất nhiều so với trước đây.

Ông Huấn cho biết thêm, trong năm 2006, Bộ Y tế có kế hoạch thành lập một số phòng ở cấp tỉnh có khả năng làm xét nghiệm H5N1 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 176