Thái Lan trình làng "Mặt trời nhân tạo" đầu tiên

  •  
  • 694

Lò phản ứng nhiệt hạch Thái Lan Tokamak-1, cỗ máy do Thái Lan và Trung Quốc hợp tác phát triển, bắt đầu vận hành hôm 25/7.

Các lò phản ứng tokamak được ví như "Mặt trời nhân tạo" với khả năng mô phỏng quá trình tổng hợp hạt nhân hay phản ứng nhiệt hạch diễn ra bên trong Mặt trời. Lò phản ứng Thái Lan Tokamak-1 là nỗ lực chung giữa Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan và Viện Vật lý Plasma thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Cỗ máy đi vào vận hành hôm 25/7, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nghiên cứu năng lượng bền vững và quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước.

 Các nhà khoa học Trung Quốc và Thái Lan hợp tác lắp đặt lò Thái Lan Tokamak-1.
Các nhà khoa học Trung Quốc và Thái Lan hợp tác lắp đặt lò Thái Lan Tokamak-1. (Ảnh: SCMP).

Đây là lò tokamak đầu tiên của một thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thái Lan cũng lên kế hoạch tự thiết kế và chế tạo lò tokamak riêng để sử dụng trong nước vào thập kỷ tới, với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghệ nhiệt hạch của Đông Nam Á.

Năng lượng nhiệt hạch được coi là "năng lượng tối cao" cho một tương lai trung hòa carbon vì quá trình sản xuất không phát ra khí nhà kính hay chất thải phóng xạ hạt nhân. Sản phẩm phụ chủ yếu là heli, một loại khí trơ, không độc.

Giới khoa học đã nghiên cứu về nhiệt hạch suốt nhiều thập kỷ nhằm tìm ra cách thức bền vững và tiết kiệm chi phí để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới. Họ muốn chế tạo các thiết bị nhiệt hạch bắt chước phản ứng nhiệt hạch của Mặt trời và các ngôi sao khác.

Phản ứng nhiệt hạch cung cấp năng lượng cho Mặt trời. Trong đó, các hạt nhân hydro va chạm và hợp nhất thành nguyên tử heli nặng hơn, giải phóng mức năng lượng khổng lồ. Phản ứng nhiệt hạch diễn ra trong trạng thái vật chất gọi là plasma - chứa đầy ion nóng và tích điện - ở mức nhiệt khoảng 10 triệu độ C, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Thái Lan Tokamak-1 được nâng cấp từ HT-6M, lò phản ứng tokamak do Viện Vật lý Plasma Trung Quốc phát triển năm 1984. Thiết bị này chính thức ngừng hoạt động vào năm 2002, sau 18 năm vận hành. Năm 2017, Viện Vật lý Plasma Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan và thông báo tặng tokamak cho Thái Lan. Viện này cũng giúp Thái Lan lắp đặt và vận hành lò phản ứng, đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyên viên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năng lượng nhiệt hạch.

Lò phản ứng tokamak đã vượt qua các cuộc kiểm tra và được chuyển giao cho Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan tháng 12/2022. Toàn bộ cỗ máy gồm 462 bộ phận chính, nặng hơn 84 tấn. Cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của thiết bị đã diễn ra ngày 21/4, theo Nopporn Poolyarat, người đứng đầu bộ phận nhiệt hạch và plasma của Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan.

Cập nhật: 27/07/2023 VnExpress
  • 694