Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ROSATOM (Nga) - đơn vị trực tiếp giúp Việt Nam xây dựng Ninh Thuận 1, cho rằng: "Về cơ bản, địa điểm mà Việt Nam chọn (Ninh Thuận) đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thẩm định, đánh giá lại một cách kĩ lưỡng địa điểm xây dựng nhà máy bởi những rủi ro vẫn có thể xảy ra”.
>> 'Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đảm bảo an toàn'
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - Ninh Thuận 1, từng được cảnh báo nằm trên đới đứt gãy địa chất, có nguy cơ về sóng thần. Bởi vậy, tại hội thảo do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức trong hai ngày 31/5 và 1/6, các chuyên gia của Nga - đối tác giúp đỡ Việt Nam xây dựng Ninh Thuận 1, cho rằng Việt Nam cần khảo sát kỹ lưỡng địa điểm xây dựng nhà máy. Việc lựa chọn một địa điểm khác sẽ được điều tra nếu Ninh Thuận không đáp ứng tiêu chí đảm bảo an toàn cho việc vận hành nhà máy.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Nga dự kiến được xây dựng tại Ninh Thuận.
Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 với tổng giá trị đầu tư lên tới 12 tỉ USD. Ninh Thuận 1 dự kiến xây dựng tại xã Phước Dinh (Thuận Nam), Ninh Thuận 2 xây dựng tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ninh Thuận 1 sẽ bắt đầu khởi công năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, trước thời điểm khởi công, các nhà khoa học Việt Nam đã cảnh báo về vùng biển có nguy cơ sóng thần cao, chạy dài từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận - vị trí xây dựng nhà máy. Theo tính toán, các trận động đất có cường độ trên 6,5 độ richter tại các khu vực ven biển đều có nguy cơ gây ra sóng thần.
Đối với các tỉnh miền Trung, nguy cơ sóng thần có thể đến từ đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 trên biển Đông hay đới hút chìm Manila (Philippines). Đới đứt gãy 109-110 rất sâu và dài, có thể gây ra động đất ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Ninh Thuận nằm ở độ cao 300m so với mặt nước biển. Vị trí xây dựng nhà máy cũng dự kiến gần bờ biển. Nếu động đất ở đới chìm Manila sẽ có khả năng lan truyền tới vùng biển Việt Nam và gây ra sóng thần cao 10m. Khi đó, nếu nhà máy điện hạt nhân nằm gần biển sẽ gây ô nhiễm phóng xạ lan rộng trong nước biển. Theo các nhà khoa học, nếu nhà máy vẫn được xây dựng tại Ninh Thuận thì cần đảm bảo thiết kế chống động đất cấp 9 - cấp cao nhất.
Tại hội thảo, ông Boyarkin Sergei - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ROSATOM (Nga) - đơn vị trực tiếp giúp Việt Nam xây dựng Ninh Thuận 1, cho rằng: "Về cơ bản, địa điểm mà Việt Nam chọn (Ninh Thuận) đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thẩm định, đánh giá lại một cách kĩ lưỡng địa điểm xây dựng nhà máy bởi những rủi ro vẫn có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm của Nga, vị trí đặt lò phản ứng hạt nhân phải vững chắc, cách xa các đới đứt gãy địa chất và phải được bảo vệ để tránh những tác động của sóng thần. Sau khi tính toán, thử nghiệm nhiều lần thiết kế của nhà máy trong điều kiện cụ thể tại Ninh Thuận, việc khởi công sẽ được tiến hành vào năm 2014. Trong thời gian xây dựng, các chuyên gia Nga sẽ giúp Việt Nam giám sát, đảm bảo thi công đúng thiết kế, đạt hiệu quả an toàn cao nhất".
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Văn Hồng - Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - khẳng định: "Ninh Thuận hiện tại mới chỉ là địa điểm dự kiến. Thời gian tới, đoàn chuyên gia của Viện sẽ kết hợp với các chuyên gia địa chất của Nga tiến hành khảo sát, đánh giá lại yếu tố địa chất tại Ninh Thuận. Nếu đáp ứng tiêu chuẩn, qui chuẩn thì sẽ tiếp tục xây dựng. Nếu không đạt thì sẽ kiến nghị lựa chọn địa điểm khác. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về Thủ tướng Chính phủ".
Nga được chọn là đối tác chiến lược giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Ninh Thuận 1, trực tiếp tham gia là Tập đoàn ROSATOM. Lí giải về việc lựa chọn công nghệ Nga, TS Hồng cho rằng: "Công nghệ hạt nhân của Nga có lịch sử phát triển lâu dài, thuộc nhóm các nước tiên tiến hàng đầu thế giới. Nga lại sở hữu công nghệ nguồn, có thể chuyển giao toàn bộ cho Việt Nam mà không cần phải thông qua đối tác trung gian”.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Nga dự kiến được xây dựng tại Ninh Thuận.
“Việt Nam quyết định lựa chọn công nghệ lò nước áp lực, thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3 của Nga. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay, độ an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, công nghệ lò nước áp lực cũng có nhiều phiên bản thiết kế khác nhau. Phổ biến nhất, Nga thường chuyển giao cho nước ngoài thiết kế 91 (Trung Quốc đang vận hành), thiết kế 92 (Ấn Độ, Bungary đang xây dựng), gần đây nhất là thiết kế 96 (hiện tại mới chỉ có ở Nga)".
"Việt Nam vẫn đang cân nhắc lựa chọn thiết kế nào, để đảm bảo cân đối giữa yếu tố an toàn và kinh tế. Độ an toàn càng cao thì chi phí càng lớn. Công nghệ Nga cũng sẽ giúp xử lý toàn bộ chất thải hạt nhân do nhà máy sinh ra, bằng một hệ thống công nghệ đạt trình độ tiên tiến nhất thế giới"