Thận trọng với Wikipedia!

  •  
  • 292

Rất nhiều báo lớn của Mỹ đều trích hoặc đề nghị tham khảo từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia (www.wikipedia.org).

Wikipedia thật sự là một hiện tượng với dữ liệu thông tin khổng lồ cập nhật liên tục và được truy cập khoảng 60 triệu lượt mỗi ngày.

Wikipedia hiện có khoảng 1,5 triệu bài báo (hơn 1/3 trong số đó là tiếng Anh) với 195 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt. Không chỉ bách khoa, Wikipedia còn mở thêm Wiktionary (từ vựng) hoặc Wikinews (thời sự quốc tế)... Tuy nhiên...

Nếu hiểu Wikipedia theo khái niệm phổ biến dành cho bách khoa toàn thư với chuẩn mực như Larousse hoặc Britannica thì sai lầm. Một trong những sự cố liên quan độ an toàn và tính chính xác của Wikipedia đã xảy ra vào thượng tuần tháng 12-2005. Thông tin về nhà hoạt động nhân quyền và nguyên tổng biên tập John Seigenthaler đã bị sửa chữa và tồn tại đến sáu tháng trước khi bị phát hiện.

Từ khi “bách khoa chùa” Wikipedia ra đời năm 2001 đến nay, nhiều ý kiến chỉ trích xuất hiện thường xuyên. Ý tưởng thành lập một địa chỉ thông tin tham khảo trực tuyến là tuyệt vời. Chủ trương nguồn mở của ban biên tập Wikipedia nhằm liên tục hoàn thiện hóa tư liệu càng tuyệt vời hơn. Khi cho phép mọi người đóng góp (bằng cách chỉnh sửa, biên tập nội dung), Wikipedia có thể tích hợp được lượng thông tin khổng lồ và luôn mới mẻ.

Tuy nhiên, ý tưởng trên cũng có một mặt trái tiêu cực, tạo cảm giác bất an thường trực cho người sử dụng, ở góc độ chính xác thông tin (chưa kể quan điểm cá nhân, đặc biệt các vấn đề nhạy cảm liên quan lịch sử -tôn giáo). Trên phần thông tin về chính mình, Wikipedia cũng thừa nhận độ lỏng lẻo và an toàn trong dữ liệu.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Guardian năm 2004, tổng biên tập Encyclopaedia Britannica Dale Hoiberg nhấn mạnh: Wikipedia không bao giờ có thể xếp ngang hàng với các bộ từ điển bách khoa chuẩn mực bởi nó không tuân thủ một số nguyên tắc truyền thống của việc biên soạn bách khoa.

Dù vậy, cũng đừng nhìn Wikipedia bằng con mắt định kiến. Xét riêng ở góc độ tham khảo (không phải dẫn chứng), Wikipedia là một nguồn tuyệt vời. Tháng 4-2004, tạp chí máy tính Đức C’T sau khi so sánh 66 bài viết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã chấm điểm như sau (thang điểm 5): Brockhaus Premium (bách khoa toàn thư Đức) được 3,3 điểm; Encarta của Microsoft 3,1 điểm, trong khi Wikipedia được 3,6 điểm.

Trong bài viết phân tích về các loại bách khoa trực tuyến, hai giáo sư Đại học Indiana Emigh và Herring cho rằng “Wikipedia cải thiện nguồn thông tin truyền thống, đặc biệt ở những nội dung thế mạnh, chẳng hạn kỹ thuật hoặc sự kiện thời sự”.

Ngoài ra, do yếu tố nguồn mở nên tính cộng đồng của Wikipedia là ưu điểm vượt trội hơn bất kỳ bách khoa trực tuyến nào. Tháng 5-2004, Wikipedia được trao giải Golden Nica for Digital Communities của Prix Ars Electronica và giải Webby hạng mục cộng đồng (thuộc Viện Khoa học - kỹ thuật số hóa quốc tế; nơi bình chọn và trao giải cho các website tốt nhất). Và người sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales, vẫn được trọng thị trong làng thông tin Mỹ.

Năm 2005, Wales được chọn làm thành viên danh dự Trung tâm Internet và xã hội Berkman thuộc Đại học luật Harvard...

Phục vụ bá tánh nên Wikipedia cũng được bá tánh giúp. Hiện Wikipedia có khoảng 13.000 người tình nguyện chịu trách nhiệm xem trước tất cả nội dung chỉnh sửa. Thông tin chỉnh sửa chỉ được đăng khi tình nguyện viên duyệt.

Lực lượng tình nguyện viên Wikipedia thuộc đủ thành phần, trong đó có giáo sư và chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên biệt. Dù vậy, chưa chắc gì tất cả thông tin chỉnh sửa đều được xem duyệt cẩn thận. Không cách nào tốt hơn là người sử dụng nên có thái độ thận trọng thường trực.

M. KIM

Theo Tuổi Trẻ
  • 292