Thành công của việc nghiên cứu thiết kế và chế máy phay cao tốc CNC “made in Việt Nam” của Công ty BKMech là một ví dụ sinh động về việc ứng dụng phương pháp giải mã công nghệ.
Anh Vũ Đình Minh, Giám đốc Công ty BKMech, cho biết hằng năm, Việt Nam bỏ ra hàng tỷ USD để nhập các máy CNC (Computerized Numerically Controlled). Máy CNC là loại máy dùng kỹ thuật điều khiển bằng máy tính cùng với các phần mềm chuyên dụng để thiết kế, sản xuất các chi tiết kim loại hay các vật liệu khác, có độ chính xác cao, hình dáng phức tạp.
Chế tạo tại Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm nhà cung cấp phụ kiện cho các sản phẩm của họ nhưng không được, một phần là do doanh nghiệp trong nước thiếu máy CNC chất lượng cao dùng cho việc sản xuất ra các phụ kiện. Chính vì vậy, từ năm 2003, giải mã công nghệ thiết kế và chế tạo máy CNC đã được tiến hành thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, với mục tiêu dần hoàn thiện công nghệ này.
Trung tâm phay CNC 5 trục đầu tiên được thiết kế và chế tạo tại VN – sản phẩm của đề tài KC.05.28/01-05 (2005-2006)
Đề tài KC.05.28/01-05, do TS Hoàng Vĩnh Sinh làm chủ nhiệm, nhằm nghiên cứu và tiến hành chế tạo thử một mẫu máy CNC thuộc loại hiện đại nhất thời điểm đó: máy CNC 5 trục. Giá máy CNC của nhóm nghiên cứu chỉ bằng 85 - 90% giá máy nhập ngoại cùng cấu hình và độ chính xác. Công trình nghiên cứu này đã giải được cơ bản các vấn đề về công nghệ trong điều kiện của Việt Nam.
Trong đề tài tiếp theo KC.05.DA03/06-10, thực hiện trong giai đoạn 2008-2009, việc chế tạo hàng loạt máy CNC tại Việt Nam được coi là mục tiêu quan trọng. Trong giai đoạn này, từ kinh nghiệm của việc giải mã công nghệ, công ty BKMech thực hiện khá thành công thiết kế và chế tạo máy phay cao tốc CNC. Đây là loại máy công cụ cao cấp, chỉ một số ít các nhà sản xuất có tên tuổi mới có thể chế tạo được do độ phức tạp rất cao, đòi hỏi phải hoạt động ổn định và tin cậy ở tốc độ từ 24.000 - 40.000 vòng/phút. Đến nay, BKMech là đơn vị đầu tiên trong nước đã hoàn chỉnh việc thiết kế, chế tạo loại máy phay cao tốc này.
Anh Vũ Đình Minh cho biết đến năm 2015, một loạt các sản phẩm mới sẽ ra đời từ các kết quả giải mã công nghệ này như: máy tiện có trục C, máy tiện băng nghiêng, máy CNC 2 cột cỡ lớn, máy đột CNC... Giai đoạn từ 2015-2020, Việt Nam sẽ tạo ra được các máy CNC có kết cấu và tính năng hoàn toàn khác biệt với các máy hiện có, định vị được vai trò của nền công nghiệp sản xuất máy công cụ của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tạo cơ chế để phát triển
Phương pháp “giải mã công nghệ” đã được nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Singapore... phát triển và rất thành công.
Máy BKMech VMC65 đang được sử dụng tại công ty Phương Đông
Trung Quốc là một quốc gia đã thành công từ việc mua sản phẩm tương tự, tháo ra nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm tương tự. Hiện nay, Trung Quốc có thể chế tạo được tất cả các sản phẩm khoa học và công nghệ trình độ từ thấp đến cao, chất lượng tốt và giá thành chỉ vào khoảng 20 - 50% so với chính hãng.
Chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền công nghệ cũng là một quan điểm khác của giải mã công nghệ. Thay vì tập trung nghiên cứu, Singapore đã định hướng trở thành một quốc gia dịch vụ KH - CN và tạo mọi điều kiện để các hãng lớn chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư chuyên gia trong nước.
Nhật Bản phát triển nền công nghiệp của mình thông qua việc mua các công nghệ rồi cải tiến sao cho phù hợp với sản phẩm, văn hóa của từng vùng. Hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã vươn lên hàng đầu về công nghệ nhờ việc mua bản quyền công nghệ từ Mỹ và Nhật. Sau đó, phát triển sản phẩm “Made in Taiwan” trở thành một thương hiệu lớn trên thị trường công nghệ thế giới hiện nay.
TS Hoàng Vĩnh Sinh cho biết, cho biết Bộ KH - CN đang có chủ trương lập những trung tâm giải mã công nghệ để thúc đẩy việc nghiên cứu, khám phá bí quyết công nghệ của các loại sản phẩm tiên tiến nhằm phục vụ cho nhu cầu máy móc, thiết bị của các ngành công nghiệp.
Ảnh: Hà Giang