Thế giới của những tên trộm “quý tộc”

  •  
  • 1.967

Có trình độ và bản lĩnh, trẻ tuổi nhưng không kém ranh ma, sẵn sàng phạm tội, đó là phác thảo chân dung những hacker mũ đen - những tên trộm thẻ tín dụng, thẻ ATM đang ẩn hiện khắp nơi trên thế giới đe dọa ngân quỹ của bất kể ai.

Câu chuyện của một hacker

Cho đến nay, những câu chuyện xung quanh Albert Gonzalez, kẻ bị tuyên án 20 năm tù giam vì lấy cắp hơn 170 triệu thẻ tín dụng và thẻ ATM vẫn còn là chủ đề nóng trên các diễn đàn công nghệ.

Gonzalez được bố, một người Cuba di cư đến Mỹ mua cho chiếc máy tính đầu tiên năm 1989, khi hắn lên 8 tuổi. Không qua bất cứ trường lớp nào mà chủ yếu tự mày mò, Gonzalez dần dần nắm được những kỹ năng “đỉnh” của tin tặc và lần đầu tiên “ghi danh” tại hồ sơ của FBI vào năm 17 tuổi khi hack trang web Chính phủ Ấn Độ chỉ để chứng tỏ “bản lĩnh” của mình. Năm 1999, Gonzalez bước chân vào con đường phạm tội khi đồng thành lập trang web Shadowcrew - diễn đàn của những tên trộm thông tin tín dụng.

Khi FBI bắt tay điều tra về Shadowcrew, Gonzalez trở thành “nội gián” với mức tiền thù lao khá cao từ Chính phủ Mỹ, song việc này không làm hắn từ bỏ các hành vi phạm tội. Gonzalez cùng đồng bọn ở nhiều nước trên thế giới tự viết ra chương trình sniffer, sau đó dùng để phân tích đường truyền và xâm nhập vào mạng nội bộ của các công ty bán lẻ, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng sau đó bán chúng cho khách hàng ở nước ngoài trên các trang web kiểu như Shadowcrew.

Cho đến khi bị bắt vào tháng 5-2008, Gonzalez và đồng bọn đã lấy cắp thông tin của 170 triệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Với số tiền khổng lồ kiếm được từ những phi vụ ấy, Gonzalez sống xa hoa, sẵn sàng bỏ 75.000USD cho một bữa tiệc sinh nhật. Tên trộm khét tiếng trong làng hacker này còn sở hữu một căn hộ chung cư hạng sang, xe hơi và nhiều đồ trang sức đắt tiền.

Ma lực khó cưỡng

Gonzalez lấy cắp thẻ tín dụng chỉ vì một mục đích duy nhất là tiền, song động cơ chi phối hành vi của nhiều tên trộm không chỉ vậy. Quyền lực điều khiển cả thông tin đôi khi còn có sức hấp dẫn hơn, nhất là khi nó mang lại tiền.

Bành Bác từng là một sinh viên giỏi của Đại học công nghệ Tây Nam, thành phố Miên Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vốn say mê internet từ nhỏ, lại được đào tạo trong một môi trường thích hợp, Bành Bác dành hết thời gian để thỏa mãn niềm yêu thích là khám phá đến tận cùng thế giới đầy ma lực ấy. Tuy nhiên, một trong những thứ có sức hút lớn nhất đối với anh ta là hacker - thế giới tự do và đầy quyền uy. Trên một diễn đàn, Bành Bác gặp những người có cùng sở thích, từ đó thường xuyên trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với nhau qua internet.

Tất cả bắt đầu từ một lần Bành Bác được một người bạn trong nhóm gửi cho thông tin lấy cắp được từ một chiếc thẻ tín dụng và hướng dẫn cách mua đồ qua các trang bán hàng trực tuyến nước ngoài. Việc bỗng dưng được sở hữu một món hàng đắt tiền trong tay mà không mất một xu khiến Bành Bác vô cùng hưng phấn. hắn tìm thấy những gì mình cần chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản. Lần đầu thử nghiệm thành công, Bành Bác xâm nhập vào hệ thống máy tính một ngân hàng ở Mỹ và lấy cắp được thông tin của gần 300 thẻ tín dụng.

Sau khi tốt nghiệp, Bành Bác cùng một số người bạn mở một cửa hàng internet. Việc kiếm tiền khá vất vả khiến Bành Bác nghĩ đến việc vận dụng những kỹ năng mình có để kiếm tiền. “Cách nghĩ của tôi rất giản đơn, tôi chỉ muốn chứng minh bản thân mình với thế giới, rằng tôi là một kẻ bẻ khóa đầy quyền năng”, khi đứng trước vành móng ngựa, Bành Bác đã tự biện hộ cho mình. Theo cáo trạng, từ tháng 7 đến tháng 8-2004, Bành Bác đã nhiều lần thông qua mạng internet lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng ở Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, kiếm được hơn 19.000NDT.

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong các vụ án trộm cắp thông tin tín dụng, thẻ ATM trên thế giới là các đối tượng đều ở độ tuổi rất trẻ, trong đó sinh viên chiếm tỷ lệ khá đông. Phân tích tâm lý tội phạm, chuyên gia Trịnh Quốc Cường, Sơn Đông cho biết, thanh niên là đối tượng có nguy cơ cao nhất lao vào vòng xoáy của loại tội phạm này, do đây là bộ phận nắm vững kiến thức về công nghệ thông tin, ham tìm tòi nhưng thiếu hiểu biết pháp luật, hơn nữa lại dễ bị tác động bởi tâm lý ganh đua, hiếu thắng, muốn chứng minh bản thân, nhất là khi những hành động đó đem lại tiền bạc và cảm giác uy quyền.

Ma lực của hành vi phạm tội này rất lớn, chỉ cần “nhúng chàm” một lần, rất khó từ bỏ được. Thực tế nhiều vụ hacker lấy trộm thông tin tín dụng bị bắt ở Trung Quốc cho thấy, các đối tượng thường đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, các phi vụ với tính chất ngày càng khó hơn, đương nhiên cũng mang lại “thành quả” lớn hơn, và đến khi bị bóc gỡ, thì đã dấn quá sâu và buộc phải nhận những án phạt cực kỳ nghiêm khắc.

Theo An ninh Thủ đô
  • 1.967