Không phải đến thời các Pharaoh người Ai Cập mới biết ướp xác. Công thức bảo quản xác ướp đã có từ 1.500 năm trước đó.
Tiến sĩ Jana Jones, Khoa Lịch sử Cổ đại, Trường đại học Macquarie, Úc và các đồng nghiệp vừa công bố kết quả phân tích của nhóm về một xác người Ai Cập tiền sử.
Xác ướp có tuổi từ khoảng năm 3.700 đến 3.500 trước Công nguyên, được cất giữ trong bảo tàng ở thành phố Turin, Ý, từ năm 1901 đến nay và vẫn trong tình trạng nguyên vẹn. Cho đến nay, người ta vẫn nghĩ rằng đến thời các pharaoh, con người mới thực hiện ướp xác. Tuy nhiên, kết quả phân tích đưa ra những bằng chứng thuyết phục là người Ai Cập đã ướp xác từ 1.500 năm trước đó.
Trước đây, người ta cho rằng xác của người đàn ông này bị khô tự nhiên do vùi trong cát sa mạc khô và nóng, nhưng đến nay chúng ta có thể khẳng định xác đã được bảo quản.
Cùng với một số nghiên cứu khác, thông tin này cho chúng ta biết người Ai Cập cổ đại sống trước thời pharaoh khoảng 1.500 năm hoặc lâu hơn nữa đã có kiến thức về qui trình bảo quản xác và tiến hành những nghi lễ tôn giáo liên quan đến niềm tin về kiếp sau.
Một số nghiên cứu trước đây của nhóm cũng đã phân tích hiện tượng liệm xác trước nghi lễ đám tang của người tiền sử ở một số nơi của miền Trung Ai Cập, đây là những người sống trước thời các pharaoh rất lâu và đã biết đến một số kĩ thuật bảo quản xác.
Báo cáo của các nghiên cứu này cho biết nhiều xác chết thời tiền sử (khoảng 4.500 – 3.350 năm trước Công nguyên) khai quật được ở Badari và Mostagedda, được chôn cùng các túi nhỏ chứa hạt làm từ nhựa cây.
Xác ướp được lưu trữ trong một bảo tàng ở Turin, Ý.
Điều này gợi mở cho một nhận định là thời đó con người đã sử dụng nhựa cây như một cách ướp xác thô sơ. Nhựa cây ở đây được lấy từ một số loài cây, cụ thể là nhựa thông, và là một nguyên liệu có tác dụng bảo quản, được trộn vào hỗn hợp dùng để ướp xác.
Các nghiên cứu cũ không có được toàn bộ các xác để thí nghiệm, mà chỉ có các mảnh vải lanh dùng để ướp xác và được cất giữ trong các bảo tàng ở Anh. Các mảnh vải là tặng vật của những người trực tiếp khai quật tặng lại cho bảo tàng và là bằng chứng còn tồn tại duy nhất chứng minh cho việc các xác chết đã được bọc.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra nhựa cây trong các mảnh vải đó. Tuy nhiên họ không có thêm mẫu vật nào để mở rộng nghiên cứu cho đến tận ngày nay, khi được nghiên cứu xác người tìm thấy ở Turin.
Nguyên tắc ướp xác cơ bản của người Ai Cập cổ đại là bảo quản nguyên xác để cho người chết được đầu thai vào kiếp sau. Nếu chẳng may người đó bị cá sấu cắn mất 1 chân thì sẽ được lắp cho một chân giả bằng gỗ cho đủ bộ phận.
Các xác được quấn vải ở những địa điểm tiền sử thường không được xem xét cẩn trọng kĩ càng khi khai quật, vì khi đó vào thế kỉ XIX đầu XX người ta chỉ quan tâm đến những đồ tạo tác được chôn cùng với xác chết. Hơn nữa, không có lí do gì để tin rằng người Ai Cập tiền sử đã dùng các loại sáp thơm bảo quản cho người chết.
Giống như người Anh, người Ý cũng tiến hành các cuộc khai quật để lấy hiện vật trưng bày cho bảo tàng Museo Egizio của họ. Nhà khảo cổ học nổi tiếng nhất có thể là Ernesto Schiaparelli, giám đốc bảo tàng từ năm 1895 đến 1928.
Ông Schiaparelli tiếp tục có một số chuyến đi đến Ai Cập để khai quật và tìm mua xác ướp cùng các đồ tùy táng từ những người bán đồ cổ, trong số đó có xác ướp người tiền sử mà nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Jones vừa được tiếp cận nghiên cứu.
Năm 2014, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Jones đã cùng một nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu xác ướp này. Họ đã lấy một mẩu nhỏ của vải và da để phân tích sinh hóa, xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ, phân tích cách dệt vải và phân tích DNA của vi khuẩn gây bệnh.
Từ khi về đến bảo tàng vào năm 1901, xác ướp không hề được bảo quản hóa chất, có nghĩa là hầu như không bị nhiễm hay chịu tác động hóa học nào, vì thế đây là một mẫu vật lí tưởng để nghiên cứu khoa học. Phân tích hóa học mẫu vải liệm lấy từ thân và cổ tay tìm thấy dầu thực vật hoặc mỡ động vật, nhựa thông và hương liệu thực vật.
Nhựa thông và hương liệu là hai chất kháng khuẩn chính để ngăn chặn côn trùng và bảo quản các phần mềm. Vải đã được nhúng vào hỗn hợp nhựa đun chảy cùng với hương liệu sau đó dùng để quấn xác.
Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ đối với các mẫu vải lanh liệm xác cho biết niên đại của xác ướp vào khoảng 3.700 – 3.500 năm trước Công nguyên. Sợi vải được xe bằng kĩ thuật dệt vải lanh truyền thống của người Ai Cập từ khoảng năm 5.000 đến 3.600 trước Công nguyên.
Phân tích vi sinh vật không tìm thấy DNA gây bệnh, có thể là do vi khuẩn gây bệnh không sống được trong điều kiện môi trường ở Ai Cập hoặc ở bảo tàng. Vì thế chúng ta không biết liệu người này chết vì bị bệnh hay không. Ngoài ra, tình trạng cực kì yếu, dễ bị gãy vỡ của xác ướp không cho phép dịch chuyển để phân tích X quang.
Tổng hợp cùng các nghiên cứu trước đây, các phát hiện mới từ xác ướp còn đầy đủ bộ phận này cho chúng ta biết rằng người Ai Cập tiền sử đã có kiến thức về qui trình bảo quản xác cũng như hệ thống tín ngưỡng phát triển đến mức độ có lí thuyết về luân hồi.
Họ đã biết tìm và lấy nhựa thông từ vùng Đông Địa Trung Hải, điều này cho thấy có thể giao thương đường dài đã phát triển. Một số mộ chôn cách địa điểm tìm thấy xác ướp này 200 km cũng tìm thấy những nguyên liệu tương tự trong sáp thơm tẩm liệm.
Những nguyên liệu này còn được tiếp tục sử dụng cho đến thời các pharaoh, khi mà kĩ năng ướp xác đạt đỉnh cao, vào khoảng 2.500 năm sau. Điều này thực sự cho thấy tài năng của người Ai Cập cổ đại được lưu truyền bất chấp điều kiện thời gian và thiên nhiên.