Hy Lạp, đất nước với những thắng cảnh cổ kính và lãng mạn, của những câu chuyện huyền thoại, từ lâu đã được mệnh danh là “Thiên đường du lịch” của châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những hệ lụy tồi tệ gây nên bởi biến đổi khí hậu đang đẩy “Thiên đường du lịch” này vào nỗi ám ảnh chưa từng có.
Vào Ngày Du lịch Thế giới 27/9/2023, cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) Eurostat công bố các điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, trong đó, Hy Lạp là một trong những quốc gia xếp hạng cao nhất.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên quốc gia nằm ở phía đông nam châu Âu này giữ vị thế cao trên các bảng xếp hạng điểm đến du lịch hàng đầu. Với hàng triệu triệu du khách trên khắp thế giới, Hy Lạp thực sự là một thiên đường, hấp dẫn vô cùng bởi cả vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn chiều sâu văn hoá lịch sử. Những địa điểm như Santorini, Mykonos, và Zakynthos thu hút du khách bằng bãi biển tuyệt đẹp cùng những ngôi làng truyền thống nằm ven biển.
Du khách tham quan Chora trên đảo Naxos, Hy Lạp, ngày 20/6/2024. (Ảnh: Reuters).
Là nơi giao thoa của 3 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, Hy Lạp là quốc gia hiếm hoi kết tinh từ nền văn hóa rực rỡ nhất thời cổ đại, từ văn học, kiến trúc, điêu khắc đến thể thao, trong đó văn học cổ đại chiếm một vị trí đặc biệt với những bộ thiên sử thi như Iliad và Odyssey.
Kiến trúc Hy Lạp cũng đầy ma lực với du khách với sự tráng lệ, hoàn mỹ, nhiều đền đài, công trình công cộng vẫn còn tồn tại đến ngày nay: Đền Parthenon, Acropolis, đền thờ thần Zeus, thần Hephaestus, quảng trường cổ Athens, Nhà hát và Đền thờ Apollo, Nhà hát Odeon của Herodes Atticus,.. Hy Lạp còn là quê hương của rất nhiều lễ hội đặc sắc mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác: lễ hội nhạc Jazz ở Paxos, lễ hội ném bột mì ở Galaxidi, những lễ hội ca nhạc ngoài trời, lễ hội ẩm thực,… Quốc gia này còn là nơi ra đời của Thế vận hội Olympic.
Chính bởi vô số những sức hút ấy, Hy Lạp luôn là mảnh đất thu hút bậc nhất với du khách toàn cầu. Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Du lịch Hy Lạp Vassilis Kikilias từng tiết lộ doanh thu du lịch nước này đã tăng 342% so với năm 2021. Năm 2023, số lượng khách đến Hy Lạp tiếp tục đạt con số “khủng” khi đất nước này đón gần 33 triệu lượt khách. Con số này đã xô đổ mức kỷ lục 31,3 triệu lượt khách của năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa hoành hành. Doanh thu ngành du lịch Hy Lạp nhờ đó cũng tăng cao kỷ lục khi thu về gần 20,5 tỷ Euro, cao hơn mức 18,15 tỷ Euro của năm 2019.
Tuy nhiên, những hệ lụy khôn lường mà Hy Lạp đang phải gánh chịu từ vấn nạn biến đổi khí hậu đang đẩy ngành du lịch nước này vào nỗi ám ảnh mới. Như mùa hè này, đang là mùa hè “rực lửa” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng với đất nước Hy Lạp. Nhiều tháng qua, quốc gia đông nam châu Âu này đã phải oằn mình trong liên tiếp hàng chục vụ cháy rừng.
Ngày 8/7, Chính phủ Hy Lạp thông báo nước này đã phải ứng phó với hơn… 1.200 vụ cháy rừng trong tháng 6 vừa qua, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hy Lạp đã tăng gấp đôi số lượng lính cứu hỏa trong các đơn vị chuyên trách lên khoảng 1.300 người. Người dân, khách du lịch đã buộc phải sơ tán hoặc tránh xa các khu vực cháy rừng hoặc đang có nguy cơ cao bị bà hỏa viếng thăm.
Hy Lạp thường xuyên phải đối mặt với thảm họa cháy rừng.
Hạn hán, thiếu nước cũng là nỗi ám ảnh khác của người dân, du khách tại Hy Lạp. Phần lớn lãnh thổ Hy Lạp có ít hoặc không có mưa trong nhiều tháng. Cuối tháng 6/2024 vừa qua, hồ chứa nước lớn nhất trên đảo Naxos của Hy Lạp đã cạn kiệt.
“Đã có sự thiếu hụt trầm trọng lượng mưa trên khắp Địa Trung Hải và đặc biệt là ở Naxos, các hồ chứa của chúng tôi đã cạn kiệt” - ông Dimitris Lianos, thị trưởng hòn đảo Naxos, cho biết. Nhà chức trách ở Naxos đã triển khai các thiết bị khử muối di động để giải quyết nhu cầu nước uống trước mắt của người dân và khách du lịch. Ở đảo Thasos phía Bắc, nhà chức trách cũng đang tìm kiếm một đơn vị khử muối để làm cho nước biển có thể uống được.
Không chỉ gây ra nắng nóng, cháy rừng, thiếu nước, biến đổi khí hậu còn đang ảnh hưởng xấu đến các di tích và di sản văn hóa Hy Lạp cổ đại. Đơn cử như, theo các chuyên gia, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong những năm gần đây, cũng như ô nhiễm không khí và mưa axit, đã gây ra các vấn đề về cấu trúc trên những bức tường và đền thờ ở thành cổ Acropolis - một trong những địa điểm khảo cổ được bảo tồn tốt nhất ở Hy Lạp.
Hy Lạp cổ đại được cho là sụp đổ do hạn hán.
Hồi năm 2023, trước những hệ lụy ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra, Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis đã thốt lên rằng đất nước ông đang trải qua “một loại chiến tranh trong thời bình” và biến đổi khí hậu là dạng kẻ thù mới.
Nhưng đó là một cuộc chiến không dễ dàng, không chỉ với Hy Lạp mà với hầu hết các quốc gia. “Chúng ta đã đi đường vòng COP29,” khi còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là tài trợ khí hậu, hay cách thức các nước giàu tài trợ cho các nước đang phát triển thực hiện những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch” - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell nhấn mạnh.
Trong đó, “tiền đâu” luôn là câu hỏi nhức nhối nhất. Năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí đóng góp 100 tỷ USD/năm để giúp các nước có thu nhập thấp đầu tư vào năng lượng sạch và đối phó với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này hiện đã bị chậm hơn 2 năm so cam kết.
Nhưng khó không có nghĩa là chấp nhận dừng lại, mà là phải chấp nhận đương đầu. “Chi phí khôi phục các thảm họa tự nhiên là rất lớn, nhưng nền kinh tế của chúng ta đủ mạnh để hỗ trợ nó. Những gì chúng ta đã mất, Nhà nước và người dân sẽ cùng nhau xây dựng lại” - Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis từng tuyên bố.
Không chỉ nói, phải những lợi ích thiết thực, đặc biệt từ khía cạnh du lịch, Hy Lạp đang quyết liệt với những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thông báo, nước này đang thúc đẩy 21 sáng kiến trị giá 780 triệu EUR để bảo vệ đa dạng sinh học biển và giải quyết vấn đề ô nhiễm ven biển. Hy Lạp cũng vừa ban hành luật mở rộng các khu bảo tồn biển tới hơn 30% lãnh hải vào năm 2030. Trong khuôn khổ các sáng kiến này, Hy Lạp dự định thành lập 2 công viên hải dương ở biển Ionia và ở biển Aegean.
Bảo tồn biển cũng được coi là 1 trong 4 trụ cột của chiến lược chống biến đổi khí hậu của Hy Lạp (trụ cột thứ nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để Hy Lạp dần dần đáp ứng nhu cầu điện từ các nguồn tự nhiên - 60% trong năm nay và 80% vào năm 2030; Trụ cột thứ hai là củng cố đất nước và nhà nước trước thiên tai; Trụ cột thứ ba là trật tự công cộng và môi trường xây dựng).
“Lặng lẽ nhưng có phương pháp bài bản, Hy Lạp đang đóng vai trò hàng đầu trong việc phòng thủ trước những biến đổi khí hậu nghiêm trọng, vốn đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực và mọi hoạt động”, người đứng đầu chính phủ Hy Lạp tuyên bố tại hội nghị Đại dương của chúng ta (Our Ocean), được Athens đăng cai tổ chức từ ngày 15 đến 17/4/2024 với sự tham dự của khoảng 120 quốc gia.