ECOSTRESS đã đo nhiệt độ bề mặt ở các thành phố Rome và Milan (Italy), Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) vào các buổi sáng 27-28/6.
Thiết bị đo bức xạ nhiệt hệ sinh thái trên trạm vũ trụ (ECOSTRESS) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đo được nhiệt độ bề mặt Trái Đất từ không gian vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, vẽ bản đồ nhiệt của 4 thành phố châu Âu trong đợt nắng nóng gần đây.
Thiết bị vẽ bản đồ nhiệt của 4 thành phố châu Âu trong đợt nắng nóng gần đây. (Nguồn: NASA/JPL).
Theo một thông cáo của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA ngày 3/7, ECOSTRESS đã đo nhiệt độ bề mặt ở các thành phố Rome và Milan (Italy), Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) vào các buổi sáng 27-28/6.
Các hình hình, trong đó nhiệt độ nóng hơn biểu thị màu đỏ và lạnh hơn là màu xanh, cho thấy vùng trung tâm các thành phố nóng hơn khu vực xung quanh như thế nào.
Theo JPL, đó là do hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị", kết quả của việc các bề mặt đô thị tích trữ và bức xạ lại sức nóng trong ngày.
Thực tế là nhiệt độ các bề mặt này cao đến 25-30 độ C vào lúc sáng sớm, cho thấy đa phần sức nóng là từ ngày hôm trước đã được hấp thụ vào các bề mặt vốn có khả năng hấp thu nóng cao, như nhựa đường, bê tông và các khu vực có nước.
Lượng nhiệt này chưa thể tiêu tan trước khi ngày mới bắt đầu. Sức nóng bị giữ lại làm cho nhiệt độ vào giữa ngày cao hơn, lên tới 40 độ C ở một số nơi, khi nắng nóng kéo dài.
ECOSTRESS đã được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ mùa Hè năm 2018.
Đây là một thiết bị khoa học mới của NASA để nghiên cứu xem các loài cây sử dụng nước hiệu quả như thế nào, bằng cách đo nhiệt độ của chúng từ không gian.
Theo JPL, dù mục tiêu ban đầu là theo dõi sức khỏe cây trồng, nhưng ECOSTRESS cũng đã phát hiện các sự kiện nắng nóng như vừa xảy ra tại châu Âu, coi đây như một thực nghiệm.