Thổ Nhĩ Kỳ: Phát hiện đập nước cổ nhất thế giới

  •  
  • 264

Các nhà khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ vừa phát hiện một đập nước được xây dựng cách đây 3.246 năm, nằm sâu dưới khu làng cổ Alacahoyuk thuộc miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Đập nước này được xây dựng dưới triều Hoàng đế Hittites.

Từ đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành khai quật và tìm kiếm các di vật của thành phố cổ nằm dưới sự cai trị của Hittites từ năm 2000 đến 1000 trước Công nguyên, tại lối vào làng Alacahoyuk, cách thủ đô Ankara khoảng 160 km về phía Đông. Nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện được các ngôi mộ bên trong chứa nhiều tài sản quý giá của triều đại Hittites như bát, đĩa, đồ trang sức, các bức tượng bằng vàng, đồng... Hiện các di vật này được trưng bày tại Viện bảo tàng Văn minh Anatolia tại Ankara.

Năm 2002, khi nghiên cứu vùng đầm lầy cách đó 2 km, nhóm các nhà khảo cổ trường Đại học Ankara đã phát hiện ra đập nước cổ này. Để sửa chữa và đưa vào sử dụng đập nước hơn 3.000 tuổi này, các nhà khảo cổ đã phải nạo vét 2,5 triệu mét khối bùn, đồng thời khôi phục các phần hỏng hóc của đập nước. Điều đặc biệt là công trình cổ được phục hồi này vẫn có khả năng chứa được 30.000 mét khối nước từ các mạch nước ngầm.

Theo các chuyên gia, các bức tường ngăn của đập nước được xây dựng bằng đá và đất sét tự nhiên giống như kỹ thuật xây dựng hiện đại, điều khác biệt duy nhất là ngày nay chúng ta sử dụng xi-măng để xây đập chứ không dùng đất sét như những thợ xây thời cổ đại. Phát hiện mới này hàng năm sẽ thu hút hàng nghìn du khách đến khu làng Alacahoyuk. 

Làng cổ Alacahoyuk
Làng cổ Alacahoyuk (Ảnh: math.umn.edu)

Theo TTXVN, Thanh niên
  • 264