Phần lớn những người bị cách ly trong nhà do diễn biến Covid-19 phức tạp cho biết họ cảm thấy thời gian trôi chậm hơn.
Theo một báo cáo trên tạp chí Science Advances, đại dịch Covid-19 dường như đã thay đổi cách mà mọi người nhận thức về thời gian trôi qua.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhận thức về thời gian của mọi người thay đổi.
Cụ thể, 65% trong số những người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy rằng thời gian trôi chậm hơn. Nhận thức này được các nhà nghiên cứu gọi là sự "thời gian giãn nở", và họ phát hiện ra rằng nó có liên quan đến cảm giác bị cô lập, hay thiếu các hoạt động thú vị trong suốt thời gian đó.
Ở chiều ngược lại, 75% cho biết họ không gặp nhiều áp lực về thời gian. Đó là cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn thực tế, vì họ phải dành ít thời gian hơn cho các hoạt động sinh hoạt, cũng như giải trí mỗi ngày.
"Sự giãn nở thời gian đã xảy ra trong đại dịch Covid-19, và nó khiến chúng ta đặt ra câu hỏi rằng, liệu nhận thức của chúng ta (về thời gian) có mãi mãi bị thay đổi", GS. Andre Cravo, tác giả của nghiên cứu cho biết.
"Thời gian chậm lại" với hầu hết những người trẻ tuổi trong thời kỳ đầu của đại dịch.
Được biết, nghiên cứu nói trên có tổng cộng 3.855 người tham gia, hầu hết được tuyển dụng thông qua mạng xã hội. Những người này sẽ trả lời những câu hỏi trực tuyến gồm 10 mục, nhằm kiểm tra khả năng ước lượng về thời gian của họ. Những người này cũng được hỏi về các hoạt động thường ngày, cũng như cảm giác của họ hiện tại thế nào.
Sử dụng thang đo nhận thức về thời gian từ 0 đến 100 để đánh giá mức tiêu chuẩn, các nhà nghiên cứu đã phân tích câu trả lời và tính toán 2 tham số, gồm thời gian mở rộng và áp lực thời gian, để xem liệu chúng có xu hướng tăng hay giảm.
Kết quả là trong khoảng thời gian khi những người tham gia báo cáo cho rằng họ cảm thấy cô đơn và ít tiếp xúc với những ảnh hưởng tích cực, họ cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn.
Ngược lại, trong những tình huống căng thẳng cao độ, họ cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.
Nhận thức cũng thường thay đổi khi chúng ta nhớ lại các tình huống trong quá khứ.
Báo cáo cũng cho thấy "thời gian chậm lại" với hầu hết những người trẻ tuổi trong thời kỳ đầu của đại dịch, khi việc tuân thủ các quy tắc cách ly xã hội trở nên nghiêm ngặt. Ngoại trừ tuổi tác, các yếu tố nhân khẩu học như quy mô hộ gia đình, nghề nghiệp, giới tính... dường như không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả.
Theo GS.Cravo, bằng chứng từ các tài liệu khoa học cho thấy cảm giác rằng thời gian trôi qua chậm hơn hay nhanh hơn bị ảnh hưởng chủ yếu bởi hai yếu tố, gồm: Sự liên quan của thời gian trong một bối cảnh cụ thể, tính không thể đoán trước.
"Ví dụ, nếu bạn đi làm muộn và đang nóng lòng phải đợi xe buýt (đại diện cho khoảng thời gian không thể đoán trước), bạn sẽ có một nhận thức "cực đoan" rằng thời gian dường như chậm lại, hay thậm chí là ngừng hẳn", GS.Cravo lý giải. "Ngược lại khi bạn đang đi nghỉ và vui chơi, thời gian dường như trôi qua rất nhanh".
Nhận thức cũng thường thay đổi khi chúng ta nhớ lại các tình huống trong quá khứ. "Khi bạn nhớ lại những gì đã làm trong kỳ nghỉ, thời gian dường như kéo dài hơn (so với những cảm nhận trong quá khứ). Ngược lại, khi bạn đang xếp hàng sẽ cảm thấy thời gian trôi qua chậm, nhưng khi chúng ta nhớ lại tình huống này, cảm giác như thể nó đã kết thúc rất chóng vánh".