Các nhà khoa học phát hiện nhiều đồ mỹ phẩm có niên đại đầu thời Đồ đồng, làm từ trái tim gia súc được bồi táng theo những người phụ nữ ở Trung Quốc.
Theo International Business Times, nhóm nghiên cứu tìm thấy những thỏi sáp màu đỏ tại nghĩa trang Xiaohe (năm 1450 - 1980 trước Công nguyên) ở phía tây bắc Tân Cương, Trung Quốc. Phát hiện được công bố hôm 28/1 trên tạp chí Scientific Reports.
Hình chụp cắt lớp của một thỏi sáp tô. (Ảnh: Scientific Report).
Những thỏi sáp phủ lớp bột quặng sắt đỏ, một trong những chất tạo màu đỏ được sử dụng phổ biến nhất để sơn lên hộp sọ người ở thời Đồ đồng. Theo các nhà khoa học, phát hiện có tầm quan trọng cả về mặt văn hóa lẫn tín ngưỡng.
"Những thỏi mỹ phẩm kiểu này có thể được dùng như một dạng sáp nguyên thủy để trang điểm và tô vẽ. Lần đầu tiên chúng tôi biết đến việc chế tạo mỹ phẩm bằng trái tim gia súc. Điều đó không chỉ hé lộ cách sử dụng gia súc đa dạng mà còn chỉ ra những chức năng tín ngưỡng đặc biệt", nhóm nghiên cứu cho biết.
Các thỏi dài hình dáng dị thường được lấy từ một số mộ phụ nữ ở nghĩa trang. Chúng nằm trong những túi da đặt gần thắt lưng của xác ướp. "Phần lớn xác ướp phụ nữ được chôn cùng túi da, dương vật gỗ và lược gỗ. Những món đồ này luôn nằm gần thắt lưng xác ướp và dương vật gỗ là biểu tượng của nghi thức thờ cúng sinh sản. Các thỏi mỹ phẩm nằm trong túi da và được sử dụng để tô những vạch đỏ lên trán xác ướp", nhóm nghiên cứu kết luận.
Một xác ướp phụ nữ ở nghĩa trang Xiaohe được chôn cùng thỏi sáp tô và dương vật gỗ. (Ảnh: Scientific Report).
Tô vẽ hoặc xăm lên mặt người thể hiện trực tiếp những hàm ý văn hóa. Do thỏi mỹ phẩm được chôn cùng phụ nữ, điều này chỉ ra họ đóng vai trò đặc biệt trong hoạt động tín ngưỡng.
Nhiều di tích ở nghĩa trang Xiaohe cũng được sơn màu đỏ, biểu tượng của việc thờ máu. "Trái tim là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất ở động vật, trung tâm của vòng tuần hoàn máu. Sử dụng trái tim động vật làm dụng cụ tô màu đỏ lên mặt người và đồ vật là hành vi tín ngưỡng mang tính thiêng liêng và đặc biệt đối với người Xiaohe", nhóm nghiên cứu giải thích.