Thuốc chữa bệnh từ động vật biển

  •  
  • 2.616

Để chữa chảy máu dạ dày, nôn ra máu, có thể lấy mai mực tán thật nhỏ, ngày uống 4-5 lần, mỗi lần 1-2 g. Uống với nước cơm hay nước sắc bạch cập (10-20 g bạch cập sắc với 300 ml nước).

Các thuốc y học cổ truyền phần lớn là từ nguồn nguyên liệu thực vật được trồng trọt, thu hái trên đất liền, nhưng cũng có một phần từ động vật sinh sống ở biển.

Cá ngựa (hải mã): Là giống cá sống ở nước mặn, có đầu giống hình đầu ngựa. Cá ngựa màu sắc nào cũng được dùng làm thuốc, nhưng loại trắng và vàng được coi là tốt hơn. Theo y học cổ truyền, cá ngựa có tác dụng cường dương, giúp cho sự giao hợp, chữa phụ nữ hiếm muộn... Ngày dùng 4-12 g dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống.

Vảy đổi mồi: Đồi mồi là một loại rùa biển khá lớn, cho vị thuốc gọi là “đạo mạo”, là vảy của con đồi mồi phơi hay sấy khô. Vảy đồi mồi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, được dùng để chữa sốt, sốt cao nói mê sảng, trấn tĩnh tinh thần, tiêu ung nhọt, phá tích huyết. Mỗi ngày dùng 4-8 g dạng thuốc sắc hoặc bột.

Mai mực (ô tặc cốt): Ô tặc cốt là mai rửa sạch phơi khô của con cá mực, chủ yếu là mực nang hay mực ván vì có mai to. Mai mực khai thác chủ yếu do mai các con mực to bị chết ở ngoài khơi, sóng gió thổi dạt vào bờ, người ta vớt lấy. Hoặc sau khi mổ mực để lấy thịt ăn, lấy mai, rửa sạch phơi khô. Khi dùng, cạo sạch vỏ cứng, tán nhỏ, hoặc vót thành từng thỏi nhỏ. Mai mực chứa nhiều muối canxi. Mai mực được dùng chữa bệnh đau dạ dày nhiều toan do tăng tiết acid trong dịch vị, loét dạ dày chảy máu, trẻ con chậm lớn, phụ nữ băng huyết. Ngày uống 6-12 g, chia làm 3-4 lần với mật ong. Dùng ngoài, tán bột rắc lên các vết thương để cầm máu và chữa lở loét chảy nước.

Vỏ hầu (mẫu lệ): Là vỏ phơi khô của nhiều loại hầu hay hà, trong đó có hầu cửa sông là một loại hầu vỏ to và dày. Khi dùng, người ta có thể dùng vỏ hầu nguyên như thế tán nhỏ hoặc nung rồi mới tán nhỏ. Vỏ hầu chứa nhiều muối canxi. Trong y học cổ truyền, mẫu lệ được dùng làm thuốc chữa đau dạ dày nhiều toan, cơ thể suy nhược, mồ hôi trộm, băng huyết. Ngày uống 6-12 g dạng thuốc bột, sắc hay viên. Dùng ngoài, bột tán nhỏ để chữa mụn nhọt, lở loét bằng cách rắc lên trên mụn lở.

Vỏ bào ngư (thạch quyết minh): Là vỏ phơi khô của nhiều loài bào ngư. Bào ngư là một loại ốc có vỏ cứng như vỏ sò, nhưng dẹt hơn; thường sống ở các vùng hải đảo hay ven biển có rạn đá ngầm, độ mặn của nước biển cao, có nhiều ở đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô. Ngoài việc bắt bào ngư tự nhiên, người ta còn nuôi để có nguồn cung cấp thường xuyên. Khi bắt bào ngư về, rửa sạch đất cát, rêu rong, sau đó rửa bằng nước muối pha loãng, rồi cậy vỏ riêng phơi khô dùng làm thuốc, còn ruột đem nấu chín phơi khô làm món ăn rất quý. Phương pháp cậy bào ngư tươi tuy khó khăn hơn nấu chín rồi cậy, nhưng vỏ có màu sắc óng ánh, phẩm chất tốt hơn.

Khi dùng vỏ bào ngư làm thuốc, có thể dùng sống, rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ, hoặc nung lên rồi mới tán nhỏ để dùng. Trong vỏ bào ngư có nhiều muối canxi. Vỏ bào ngư là vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày nhiều toan, cầm máu, còn được dùng chữa thị lực kém, có tác dụng làm tan màng, sáng mắt. Ngày uống 3-6 g dưới dạng bột; hoặc 15-30 g dạng thuốc sắc.

Một số bài thuốc

Nam giới liệt dương, nữ giới không có con: Cá ngựa một đôi, sấy khô vàng, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 g. Dùng rượu mà chiêu thuốc.

Chữa đau dạ dày ợ chua: Vỏ hầu, cam thảo mỗi vị 8 g, tán bột, uống mỗi ngày lượng thuốc trên chia nhiều lần.

Chữa bệnh ra nhiều mồ hôi: Vỏ hầu, cám gạo mỗi vị 10 g; hoàng kỳ, ma hoàng mỗi vị 4 g, sắc và chia làm nhiều lần uống trong ngày.

Chữa khí hư, bạch đới: Vỏ hầu (nung rồi tán nhỏ), hoa hòe mỗi vị 40 g, sấy khô tán bột. Ngày uống 12 g bột này chia nhiều lần.

Chữa mụn nhọt mới sưng, chưa thành mủ: Dùng phấn vỏ hầu hòa với nước mà bôi, khô lại bôi.

Chữa đau mắt ra nắng bị chói: Vỏ bào ngư, cúc hoa, cam thảo mỗi vị 4 g, sắc với 200 ml nước, để nguội uống. Mỗi ngày uống một thang.

GS Đoàn Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống

  • 2.616