Đã hơn 100 năm qua, Paris là nhà của Le Grand K - một khối kim loại định nghĩa trọng lượng chính xác của một kilogam.
Mọi thứ từ cái cân trong bếp cho đến những quả tạ tập gym trên khắp thế giới đã được sản xuất theo tiêu chuẩn được thiết lập bởi khối hình trụ chất liệu bạch kim iridi cất giữ trong một căn hầm bảo mật cao ở thủ đô nước Pháp từ năm 1889.
Theo CNN, các quốc gia khác nhau có "nguyên mẫu kilogam" của riêng mình, xem là tiêu chuẩn quốc gia và được hiệu chỉnh theo tạo tác ở Paris. Tuy nhiên ngày nay các nhà khoa học muốn cập nhật cách trọng lượng được định nghĩa như thế nào.
Cân nặng của nguyên mẫu kilogam tiêu chuẩn đã giảm 0,0001g, tức là tương đương trọng lượng của một hạt bụi.
Lý do các nhà khoa học đề xuất thay đổi lên Tổ chức Hệ thống đo lường quốc tế (SI) là qua thời gian, nguyên mẫu kilogam ở Paris đã mất đi các nguyên tử và do đó khối lượng cũng giảm theo bởi vì nó "dễ bị hư hại bởi các tác động môi trường", theo Phòng thí nghiệm Vật lý quốc gia (NPL), nơi lưu trữ Kilo 18, bản sao chép Le Grand K của Anh. Cân nặng của nguyên mẫu kilogam tiêu chuẩn đã giảm 0,0001g, tức là tương đương trọng lượng của một hạt bụi, trong thế kỷ qua, đồng nghĩa với việc nó sẽ trở nên kém chính xác hơn. Le Grand K còn được gọi là kilogam nguyên mẫu quốc tế (IPK). Thứ Sáu tuần này, các nhà khoa học sẽ bỏ phiếu phê chuẩn sự thay đổi đơn vị đo lường kilogam.
"Đối với việc đo lường một túi đường thì việc mất mát này không thành vấn đề, nhưng sẽ trở nên không thể chấp nhận được đối với khoa học phức tạp hơn, như đo lường liều lượng trong sản xuất dược phẩm", theo thông cáo của Phòng thí nghiệm Vật lý quốc gia.
Cuộc bỏ phiếu thứ Sáu tới tại Hội nghị toàn thể về Cân đo ở Versailles (Pháp) được phần lớn dư luận tin rằng sẽ thông qua. Điều đó có nghĩa là sẽ định nghĩa lại vĩnh viễn kilôgam và cho nguyên mẫu quốc tế IPK về hưu.
Định nghĩa mới đang được đề xuất dựa trên hằng số Planck - một hằng số được quan sát thấy trong thế giới tự nhiên vốn ổn định, theo NPL. Mặc dù giá trị của kilôgam sẽ không thay đổi, việc định nghĩa lại kilôgam bằng hằng số sẽ đảm bảo nó vẫn đáng tin cậy và cho phép đo khối lượng chính xác hơn trong tương lai.
Hằng số Planck mô tả hành vi của các hạt và sóng trên thang nguyên tử và phụ thuộc vào ba đơn vị: mét, kilôgam và giây. Do giây và mét được đo và xác định bởi tốc độ ánh sáng, chúng có thể được sử dụng với hằng số Planck cố định để xác định một kilôgam.
Hằng số Planck được đo bằng cách sử dụng một dụng cụ gọi là cân bằng Kibble, được phát triển lần đầu tiên tại NPL bởi nhà vật lý quá cố Bryan Kibble.
Nếu được chấp thuận, việc định nghĩa lại sẽ có hiệu lực vào Ngày đo lường thế giới vào ngày 20 tháng 5. Hội nghị được tổ chức bởi Cục Trọng lượng và Đo lường quốc tế.