Thủ phạm biến thảo nguyên Sahara thành sa mạc khô cằn

  •  
  • 3.424

Vùng Sahara chuyển từ đồng cỏ xanh tốt thành sa mạc khô hạn do vành đai mưa ở khu vực này dần di chuyển lên phía bắc về Địa Trung Hải.

Khoảng 6.000 năm trước, Sahara là cánh đồng cỏ rộng lớn thường xuyên ngập trong các cơn mưa ở vùng nhiệt đới. Ngày nay, sa mạc Sahara là một trong những vùng đất khô hạn nhất trên Trái Đất, theo UPI.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas A&M và Đại học Yale, Mỹ, tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự chuyển đổi khí hậu nói trên tại sa mạc Sahara. Họ xây dựng một mô hình mưa trong thế Toàn Tân thuộc kỷ Đệ Tứ, trái ngược với mô hình mưa ngày nay để đối chiếu.

Sa mạc Sahara là một trong những nơi khô hạn nhất Trái Đất.
Sa mạc Sahara là một trong những nơi khô hạn nhất Trái Đất. (Ảnh: Đại học Texas A&M).

Phân tích của các nhà khoa học cung cấp thêm những hiểu biết mới về vòng hoàn lưu Hadley, chu trình dòng không khí đi lên tại khu vực gần xích đạo và đi xuống ở vùng cận nhiệt đới. Vòng hoàn lưu Hadley tác động lên tất cả mọi thứ từ gió mậu dịch, vành đai mưa nhiệt đới, dòng tia (jet stream) và bão.

"Mô hình của chúng tôi lý giải về nơi hình thành các vành đai mưa nhiệt đới và mối liên hệ của chúng đối với thời tiết ở những nơi khác trên thế giới thông qua vòng hoàn lưu Hadley", Robert Korty, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học Texas A & M, cho biết.

Theo kết quả nghiên cứu đăng hôm 21/11 trên tạp chí Nature Geoscience, qua thời gian, vành đai mưa từng cung cấp lượng mưa ở mức trung bình cho Sahara dần di chuyển lên phía bắc về phía Địa Trung Hải.

"Nguyên nhân khiến vành đai mưa nhiệt đới di chuyển rất xa về phía bắc đường xích đạo vẫn là một điều bí ẩn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự chuyển đổi lớn về lượng mưa có thể xảy ra ở một phần của thế giới, ngay cả khi các vành đai mưa không dịch chuyển nhiều đi nơi khác", Korty nói.

Korty và đồng nghiệp William Boos tại Đại học Yale cho rằng, sự dịch chuyển của vành đai mưa chưa đủ để giải thích quá trình chuyển đổi khí hậu ở Sahara. Thay vào đó, tổng lượng mưa giảm xuống nhiều khả năng tạo ra một vòng lặp phản hồi khí hậu, thông qua đó kích hoạt nhiều sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong đất và khí quyển.

Cập nhật: 07/12/2016 Theo VnExpress
  • 3.424